Bài 1: Trận đánh lịch sử
Đêm 11, rạng sáng 12-5-1969, một đại đội thuộc Tiểu
đoàn đặc công 409 (Quân khu 5) nhận nhiệm vụ tấn công Lữ đoàn 196 của quân đội
Mỹ đóng tại Núi Quế (xã Quế Phú, H. Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Hôm ấy, 66 chiến
sĩ ra đi chỉ có 26 người trở về. Trong suốt 42 năm sau đó, gia đình của 40 liệt
sĩ trên vẫn không biết con em mình hy sinh ở đâu. Cho đến một ngày, người đại đội
trưởng năm xưa tìm được cuốn nhật ký công tác. Từ đây, một trong những thân
nhân liệt sĩ bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm, tri ân đầy cảm động...
![]() |
Người thân các liệt sĩ tìm về đỉnh Núi Quế - nơi 40 chiến sĩ đặc công hy sinh. |
40 người mãi mãi không trở về
Sau Tết Mậu Thân
năm 1968, Mỹ - ngụy tăng cường càn quét, đánh phá vùng giải phóng của tỉnh Quảng
Nam. Ban ngày, máy bay Mỹ trút bom khiến xóm làng xơ xác. Ban đêm, đại bác từ
các căn cứ trên núi bắn phá liên tục nhằm thực hiện ý đồ tìm diệt quân giải
phóng. Bộ đội chính quy lúc bấy giờ phải rút về căn cứ để chỉnh quân hoặc phân
tán nhỏ lẻ hoạt động để bảo toàn lực lượng. Cán bộ, du kích và bộ đội địa
phương bám trụ trong các xóm làng không có dân, thường gọi là “vùng trắng” để
hoạt động.
Đầu tháng
5-1969, Đại đội 1, Tiểu đoàn đặc công 409 (Quân khu 5) nhận nhiệm vụ tập kích Lữ
đoàn 196 của Mỹ tại Núi Quế. Ngày đó, Núi Quế là căn cứ quân sự quan trọng của
quân đội Mỹ. Cứ điểm này gồm có 9 đồi nhỏ nối liền nhau, cao 63-68m, dài
1.000m, rộng 800m. Địch đóng ở trên điểm cao nên có ưu thế về quân sự, chúng lợi
dụng các hang đá làm công sự vững chắc. Quân số Lữ đoàn 196 lúc bấy giờ trên
1.000 tên lính Mỹ với nhiều vũ khí tối tân, hiện đại.
Theo kế hoạch,
16 giờ ngày 11-5-1969, Đại đội tổ chức lễ xuất quân. 18 giờ 30, Đại đội xuất
phát. Đến 22 giờ, các chiến sĩ di chuyển đến Phú Hương. Tại đây, các anh được
du kích địa phương đón và dẫn đường vào chân Núi Quế. 23 giờ, Đại đội tổ chức
ăn cơm vắt để tăng sức chiến đấu trước khi vào trận đánh. Ăn uống xong, các anh
lần lượt cởi bỏ quần áo, chỉ mặc độc một chiếc quần lót trên mình và bôi lên
người chất hỗn hợp được trộn từ lá khoai lang giã nhuyễn với nhọ nồi. Chỉ mấy
phút sau, ai nấy đều đen nhẻm và hòa lẫn vào màn đêm, cây cỏ.
66 chiến sĩ tham
gia trận tập kích được chia làm 6 mũi tấn công. Mũi 1 tấn công vào khu chỉ huy
Lữ đoàn; mũi 2 và 3 đánh vào khu Đông Bắc Núi Quế và khu vực ra-đa; mũi 4 và
mũi 5 đánh vào khu chỉ huy tiểu đoàn bộ binh và chặn đường xe của địch. Riêng
mũi 6 nhận nhiệm vụ tiêu diệt Hòn Một và đài quan sát tiền tiêu của cứ điểm
này.
Khi các mũi tiến
công đã lọt vào trong cứ điểm nhưng chưa đến được mục tiêu đã định thì có tiếng
súng nổ từ phía Bắc trận địa. Ngay lập tức địch báo động, bắn pháo sáng liên tục.
Ở các hướng khác, các mũi tiến công vẫn tiếp tục tiếp cận đến mục tiêu. Đến 0
giờ 30 phút ngày 12-5-1969, từ trên công sự, địch bắn ra hướng mũi 2 và 3. Các
mũi đồng loạt nổ súng. Ngay tức khắc, địch tập trung hỏa lực mạnh bắn áp đảo khắp
nơi. Ánh sáng của đạn pháo và đèn pha soi rõ từng bụi cây. Địch bắn phá chặn đường
tiến của các chiến sĩ và dùng hỏa lực khống chế cửa mở. Tuy không đạt được ý đồ
chiến thuật là luồn sâu lót sát nhưng các chiến sĩ vẫn quyết tâm chiến đấu đến
cùng. Trận đánh ấy các anh đã loại khỏi vòng chiến đấu 295 tên Mỹ, phá sập 50
nhà, 43 lô cốt, hầm ngầm của địch và nhiều vũ khí, khí tài. Tuy nhiên, 66 chiến
sĩ ra trận chỉ có 26 người trở về...
![]() |
Ông Khuất Quang Cừ, em trai liệt sĩ Khuất Quang Phiệt. |
Hành trình tìm kiếm
40 chiến sĩ hy
sinh đêm ấy ở tuổi chỉ chừng mười tám đôi mươi và quê quán ở nhiều địa phương
như Cao Bằng, Sơn La, Thái Bình, Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... Do
chiến tranh loạn lạc nên tất cả các giấy báo tử đều ghi: “Hy sinh tại mặt trận
phía Nam”. Thế nên, thân nhân các liệt sĩ không biết con em mình hy sinh ở đâu
để có thể đi tìm phần mộ về hương khói. Nhiều gia đình đã nhờ các phương tiện
thông tin đại chúng và cả các nhà ngoại cảm để tìm nhưng kết quả vẫn trong vô vọng.
Cũng như bao
thân nhân liệt sĩ khác, Đại tá Khuất Quang Cừ, nguyên Trưởng phòng 2, Văn phòng
Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật Bộ CA luôn đau đáu ước mơ tìm được phần mộ cho anh
trai mình là liệt sĩ Khuất Quang Phiệt. Bắt đầu từ năm 1993, ông đã đi khắp “Mặt
trận phía Nam”, kể cả việc nhờ nhà ngoại cảm nổi tiếng nhưng vẫn không tìm được
phần mộ của liệt sĩ Khuất Quang Phiệt. Không bỏ cuộc, ông tiếp tục đến các cơ
quan quân sự để hỏi thăm về danh tính những người chỉ huy Đại đội 1, tiểu đoàn
đặc công 409 năm xưa. Ròng rã một thời gian dài như thế, cuối cùng ngày
23-10-2008, ông Cừ đã gặp được ông Phan Đình Long, nguyên Đại đội trưởng đại đội
1, là một trong những người trực tiếp chỉ huy trận đánh Núi Quế đêm 11-5-1969.
Trong những ngày
bom đạn ấy, Đại đội trưởng Phan Đình Long vẫn giữ thói quen ghi nhật ký công việc,
diễn biến các trận đánh của đơn vị mình. Trước khi ra trận, bao giờ ông cũng
ghi tên tuổi, quê quán của từng đồng đội tham gia trận đánh. Ông nghĩ, lính đặc
công khi hy sinh không một mảnh vải, kỷ vật trên người, tất cả đều đen nhẻm nên
khó phân biệt từng người một. Những cái tên ông ghi lại cũng phần nào giúp việc
nhận ra thi thể của đồng đội sau mỗi trận đánh. Khi đọc cuốn nhật ký này, ông Cừ
đã vỡ òa hạnh phúc khi thấy tên anh trai mình và 39 liệt sĩ khác kèm theo sơ đồ
trận đánh tại Núi Quế đêm 11-5-1969.
Khi đã có cuốn
nhật ký của Đại đội trưởng Phan Đình Long, ông Cừ liên hệ với Liên hiệp các tổ
chức hữu nghị Việt Nam, đề nghị phía Mỹ xác minh lại số liệt sĩ hy sinh tại Núi
Quế đêm 11, rạng sáng 12-5-1969. Theo báo cáo ngày 12-5-1969 của quân đội Mỹ
(được giải mật ngày 17-3-2011), vào lúc 1 giờ 40 phút ngày 12-5-1969, Núi Quế bị
tấn công, đến 8 giờ 10 phút mới hết tiếng súng. 20 giờ 30 phút Mỹ thu được 39
thi hài (các chiến sĩ đặc công hy sinh-PV). Đồng thời, tài liệu cũng xác nhận đến
20 giờ 35 phút ngày 12-5-1969 vẫn còn các chiến sĩ giải phóng quân trên Núi Quế,
do không kịp rút ra ngoài trước khi trời sáng phải ẩn náu lại chờ đến đêm sau
tìm cách thoát ra.
Từ những thông
tin có được về quê quán của các liệt sĩ, ông Khuất Quang Cừ bắt đầu hành trình
liên lạc với các gia đình liệt sĩ. Đầu tiên, ông gọi điện thoại đến Chủ tịch
UBND các xã có liệt sĩ hy sinh tại Núi Quế. Ông đề nghị chính quyền liên lạc và
cung cấp cho ông số điện thoại của từng gia đình. Cứ thế, ông đã nối vòng tay
giữa các gia đình liệt sĩ với nhau, ông hun đúc lòng tri ân của những người sống
với người đã mất. Cũng từ đấy, các gia đình mới biết được trận đánh đêm
11-5-1969 diễn ra như thế nào, con em mình hy sinh anh dũng ra sao. Và họ tìm về
Núi Quế, nơi những người lính đặc công năm xưa đã ngã xuống...
Bài cuối: Tri ân
Mặc dù chưa tìm được
hài cốt các liệt sĩ, nhưng ông Khuất Quang Cừ rất muốn lập một ngôi mộ chung
ghi danh 40 chiến sĩ đặc công hy sinh tại Núi Quế, bởi sự hy sinh ấy cần phải
được tưởng nhớ, tri ân và lưu truyền cho các thế hệ sau. Ý định của ông được
các gia đình liệt sĩ ủng hộ.
Tri ân các anh hùng
Trao đổi với
chúng tôi, ông Khuất Quang Cừ cho biết: "Khi nhận được giấy báo tử của anh
Phiệt, mẹ tôi nói với cả nhà "Phiệt nhà mình không chết đâu". Còn bố
tôi thì im lặng, suốt 3 tháng sau đó ông không hề mở radio, mặc dù trước đó
ngày nào ông cũng nghe đài. Sau khi bố mẹ qua đời, tôi quyết tâm đi tìm anh
tôi. Từ năm 1993 đến 2011, tôi đã đi từ Bắc đến Nam, nhờ đến 21 nhà ngoại cảm
nhưng vẫn không biết được thi hài của anh tôi ở nơi nào. Khi biết được anh tôi
và đồng đội hy sinh tại Núi Quế, dẫu chưa tìm được hài cốt nhưng chúng tôi vẫn
muốn xây mộ để linh hồn các anh có chốn đi về...".
![]() |
Anh Linh Đài - nơi tưởng niệm 40 chiến sĩ đặc công hy sinh. |
Để thực hiện tâm
nguyện trên, từ năm 2009, ông Cừ cùng các gia đình liệt sĩ lên kế hoạch xây
ngôi mộ chung cho 40 liệt sĩ hy sinh tại Núi Quế đêm 11-5-1969. Ngày 7-3-2012,
đại diện các gia đình vào Quảng Nam. 10 ngày sau đó, ngày 17-3-2012, Anh Linh
Đài - công trình của lòng tri ân được khởi công xây dựng. Trước quyết tâm và
nghĩa cử cao đẹp của ông Cừ cùng thân nhân các liệt sĩ, các cơ quan, ban, ngành
trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đã nhiệt tình ủng hộ. Ngày 11-5-2012, nhà bia tưởng
niệm 40 liệt sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409, Quân khu 5 được khánh thành. Nhà bia tưởng
niệm tựa lưng vào sườn một ngọn đồi, ngay tại vị trí các liệt sỹ đã hy sinh.
Trong ngày các
gia đình liệt sĩ về Núi Quế thắp hương các anh, chúng tôi gặp chị Trần Thu Thủy
(1952, trú tỉnh Cao Bằng), em gái của liệt sĩ Trần Đình Thiệu (1943). Chị Thủy
kể trong nước mắt, chị nhớ mãi hình ảnh buổi chia tay hôm ấy, anh Thiệu dặn dò
chị ở nhà phải chăm sóc ba mẹ, khi nào lập gia đình thì viết thư báo anh xin
phép về. Còn chị thì cứ đứng mãi nơi cổng làng gọi với theo "Anh đi nhớ viết
thư về nhé...". Chị Thủy cho biết, dù không tìm được hài cốt của anh mình,
nhưng có một ngôi mộ gió như thế chị rất vui mừng, hạnh phúc. Bởi từ nay, linh
hồn anh chị và đồng đội đã có chỗ đi về...
![]() |
Các ngành chức năng và đông đảo người thân các liệt sĩ trong ngày khánh thành bia tưởng niệm các liệt sĩ đặc công tại Núi Quế. |
Những câu chuyện đẫm nước mắt
Chúng tôi may mắn
được gặp cựu chiến binh Phan Quang Thặng (1951, trú P. Tiên Cát, TP Việt Trì,
Phú Thọ), ông chính là một trong những chiến sĩ tham gia trận đánh lịch sử ấy
còn sống sót. Ông Thặng kể, cuối năm 1968, ông cùng Trần Phong Vận (1951, Ba
Vì, Hà Nội) và một số bạn bè xung phong nhập ngũ. Ngày 22-12-1968, từ Ba Vì ông
và đồng đội hành quân vào miền Trung. Đến ngày 17-3-1969 thì vào Quảng Nam.
Ông, ông Vận và một số chiến sĩ khác được phân về Đại đội 1 của Tiểu đoàn đặc
công 409 (Quân khu 5) đóng tại Quế Sơn. Một số anh em khác về Đại đội 2 đóng tại
Tam Kỳ. Đó là những ngày tháng gian khổ nhưng vinh quang và đầy kỷ niệm đối với
ông. Kể về trận đánh hôm ấy, ông Thặng cho biết, trước khi xuất phát, đại đội
làm lễ xuất quân, đó cũng chính là lễ truy điệu sống vì có thể người ra trận sẽ
không trở về. Sau khi tuyên bố lý do, Đại đội trưởng Phan Đình Long hô to khẩu
hiệu: "Để trả thù cho đồng bào 3 làng An (gồm 3 làng Vân An, An Chuẩn, An
Hải thuộc xã Bình Châu, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi đã bị lính Mỹ giết hại hàng
trăm dân thường trong một trận càn-PV), Đại đội 1 quyết tâm chiến thắng kẻ
thù". Tất cả mọi người đều giơ tay cao và đồng thanh "Quyết
tâm". Sau đó, mọi người ăn bánh, uống nước và gửi nhau lời nhắn gửi về gia
đình, bạn bè nếu ngày mai mình hy sinh. Hôm đó, ông Vận đã ôm ông và bảo:
"Nếu mình mất, cậu nhớ về thăm bố mẹ mình...". Và đó cũng là lần cuối
ông được nghe, được nhìn người bạn, người đồng chí thân yêu của mình.
![]() |
Cựu chiến binh Phan Quang Thặng kể về trận đánh lịch sử đêm 11-5-1969. |
"Trận tập
kích đêm đó, tôi được phân công vào mũi 6 do Nguyễn Văn Toàn làm mũi trưởng.
Ngoài tôi và Toàn, còn có 4 chiến sĩ khác là Danh, Nhuận, Mật và Ngoãn. Chúng
tôi nối nhau bò sát đất, nhích người từng tí một tiến đến mục tiêu. Tôi được
giao nhiệm vụ cắt rào nên đi trước. Sau khi dùng kìm cắt rào, tôi hỗ trợ từng
người một vào bên trong sào huyệt của kẻ thù. Cùng lúc ấy, các mũi khác cũng
đang vượt qua cửa mở và tiến về vị trí chiến đấu của mình. Thế nhưng vừa qua được
cửa mở, khi chưa đến giờ G thì từ hướng Bắc trận địa có tiếng nổ súng, ngay lập
tức địch báo động, bắn pháo sáng liên tục. Toàn hạ lệnh chiến đấu, ngay tức khắc
Nhuận lao lên, ném thủ pháo vào hầm ngầm của địch. Danh ném thêm một quả vào mục
tiêu Nhuận vừa đánh. Ngoãn, Mật, Toàn cũng thay nhau ném thủ pháo vào sào huyệt
địch. Tôi ôm quả bộc phá nặng 5 kg, đặt vào thân khẩu pháo 105 ly kích nổ rồi
nhanh chóng lùi ra xa hơn chục mét. Tiếng nổ vang xé trời, mặt đất rung chuyển,
cả Núi Quế sáng rực. Từ trong căn cứ địch, đạn bắn ra xối xả. Xe tăng rải kín
khắp nơi. Trên trời, máy bay trực thăng địch quần thảo, trút đạn xuống đất như
mưa. Một loạt đạn đã trúng ngay Nhuận. Chúng tôi báo cho mũi trưởng Toàn. Toàn
chỉ đạo Danh tiến lên để mang xác Nhuận về. Khi Danh ôm được xác Nhuận trên tay
thì một loạt đạn từ căn cứ địch làm anh gục ngay tại chỗ. Tình thế quá hiểm
nguy, Toàn hạ lệnh vừa bắn trả, vừa rút quân. Vừa lúc đó, tôi cảm thấy cánh tay
mình tê buốt, máu chảy ướt đẫm cả người. Rồi tôi ngất lịm đi..."- ông Thặng
kể đêm định mệnh trên Núi Quế.
Câu chuyện của cựu
chiến binh Phan Quang Thặng khiến mắt chúng tôi cay xè. Ông chỉ tay ra xa và bảo:
"Kia là Hòn Da, đây là Hòn Một, trận đánh diễn ra tại nơi này. Thời gian
có thể xóa nhòa nhiều thứ nhưng những khuôn mặt của đồng đội tôi đêm ấy thì mãi
vẹn nguyên trong ký ức. Nhuận, Danh, Thiệu, Hòa... các anh ấy đã hòa vào đất mẹ...".
Chúng tôi gặp vợ chồng ông Trần Trung Hậu và Nguyễn Thị Kim Cúc (trú xã Quế
Phú, Quế Sơn) tại nhà riêng của ông bà để nghe kể thêm về lịch sử hào hùng của
cha anh. Cô Cúc cho biết, lúc đó cô là y tá của Tiểu đoàn. Đêm ấy, cô và đồng đội
ở tuyến ngoài để tiếp tế và cứu thương. Khi nghe tiếng súng nổ, nhìn bầu trời
Núi Quế sáng rực mà ruột gan các cô như lửa đốt. Chờ mãi không thấy các anh trở
ra, các cô biết rằng họ đã hy sinh và ôm nhau lặng lẽ khóc. Hai ba hôm sau thì
nhận được tin địch kéo thi thể các chiến sĩ lên xe và chở đi đâu không rõ. Mỗi
lần hồi tưởng, cô lại khóc vì nhớ thương đồng đội. Cô bảo, lính đặc công là vậy,
mỗi khi ra trận phải cởi bỏ hết quần áo và hóa trang để lẩn trong màn đêm, cây
cỏ nhằm không cho địch phát hiện. Vì thế, khi chết, họ không có được một mảnh vải
trên người...
Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên
Quân ủy T.Ư, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (nguyên Tư lệnh Quân khu 5)
nói rằng, việc xây dựng ngôi mộ chung cho 40 liệt sĩ hy sinh tại Núi Quế là một
nghĩa cử cao quý và đây cũng là trường hợp đầu tiên mộ liệt sĩ được xây dựng từ
chính thân nhân của các liệt sĩ. Điều đó cũng không có gì đặc biệt, bởi tình
yêu và sự biết ơn không phân biệt trách nhiệm thuộc về ai...
B.Bình -
N.Phương
Cadn.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét