Nhãn

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Liệt sỹ Đào Ngọc Sản trong ký ức của bố tôi

Ông nội tôi là Đào Ngọc Sản, nhập ngũ tham gia chiến đấu ngày 25/8/1967. Khi đó ông đã có một gia đình hạnh phúc với vợ và 3 đứa con trai. Đó cũng là những năm tháng máy bay Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.Là môt người đàn ông có trách nhiệm không những với gia đình, mà còn cả với vận mệnh đất nước. Dù biết ngày ra đi, bà nội tôi đang mang thai cô tôi là con út của ông đến tháng thứ 6. Biết bao vất vả ông để lại cho bà, ra đi vì tiếng gọi tổ quốc. Trong ký ức của bố tôi, ông nội là một người bố tuyệt vời, hết mực yêu chiều các con. Để có tư liệu biên soạn một cuốn sách viết về 40 liệt sĩ đặc công đã hy sinh tại Quế Sơn đêm 11/5/1969, theo đề nghị của ông Khuất Quang Cừ, mỗi gia đình thân nhân sẽ viết về liệt sĩ những kỷ niệm với gia đình người thân. Bố tôi qua một đêm đã hồi tưởng lại những kỷ niệm về ông nội và viết ra câu chyện về ông với những ký ức tuổi thơ rất đẹp.

(Ảnh: Cuộc họp các thân nhân liệt sĩ tại nhà tôi hôm 12/4/2104)
I. Một gia đình hạnh phúc
Liệt sỹ Đào Ngọc Sản từ khi lập gia đình năm 1957, ông chỉ còn có hai bà mẹ, một là cụ thân sinh ra ông, hai là cụ thân sinh ra vợ ông. Từ năm 1959 sinh con trai đầu lòng rồi vợ chồng tách ra ở riêng. Ông rất yêu thương vợ con nên gia đình sống rất hạnh phúc. Ông là người rất khỏe, mình cá trắm, có chiều cao 1.70 mét. Tính tình dễ dãi, hay thương người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Mặc dù công việc của ông rất nhiều nhưng vì sức khỏe tốt nên mọi việc ông làm loắng cái là xong. Thời gian rảnh là đi đến các gia đình thăm mẹ, các anh, chị, em và một số bà con hàng xóm. Nhiều khi đi làm về ông lại còn làm giúp cho gia đình khác. Còn mọi việc nặng nhọc trong gia đình ông không muốn vợ phải làm gì cho vất vả. Ngoài trông con và cơm nước cho gia đình. Trong làng lúc ấy đã có người đặt vè (*) ca ngợi sức khỏe và tính tốt của ông.
Có lần bà tham gia việc nhận của HTX nông nghiệp 150 kg thóc về xay giã rồi nhập gạo cho nhà nước, ông không nói nặng lời mà chỉ bảo rằng rồi bà sẽ thấy cái không có ích gì cả. Quả thật đến khi nhập gạo phải gánh bộ cách nhà 10 km, chưa được nửa đường thì bà mệt quá, ông phải gánh giúp đoạn đường còn lại, nhập gạo xong khi về đến nhà thì bà cũng vừa về đến nhà xong. Từ ấy bà bảo xin chừa từ giờ không bao giờ tự mình quyết định một việc gì nặng nhọc nữa. Sau bà còn bị ốm cả tuần, ông phải nghỉ để chăm sóc đến khỏi mới đi làm.
Ngày mùa bà cũng không phải đi làm, chỉ khi nào đến ngày chia nhận rạ là ông muốn bà đi phơi tranh thủ buổi sáng để cho khô để sau này ông lợp nhà. Khi vận chuyển ông lại bó lại bỏ vào thuyền trở về bến kho của đội sản xuất rồi gánh về nhà đánh đống lại để dành khi nào đủ lợp được một mái nhà thì ông mới lợp. Hàng ngày ở nhà bà dọn quanh chăm sóc con, cơm nước gia đình, còn khi đi làm về ông lại phụ giúp bà chăm sóc cho các con.
Năm 1964, ông đã có 3 người con trai. Tối đến là ông tắm giặt cho cả ba anh em. Mùa nóng thì đi tắm ao, còn mùa lạnh thì bà đun siêu nước vùi xuống bếp gio cho nóng, khi nào ông về là lấy ra tắm cho các con. Tắm rửa xong, hôm nào còn sớm thì ông cho cả ba anh em đi cùng chơi các nhà hàng xóm, hôm nào sớm hơn thì đi chơi các nhà bà con cô bác. Thường thì lần nào cũng qua thăm các cụ nội ngoại rồi mới đi nhà khác. Ngày nào mưa hay lạnh thì ông ở nhà lại làm đồ chơi. Tối ăn cơm xong thì ông hay qua chơi cờ tướng ở nhà một ông ông hàng xóm gần nhà. Có tối cả nhà sang chơi đến khuya mới về ngủ. Khi về em bé nhất nhận mẹ còn hai anh em lớn nhận bố. Trước khi ngủ là bắt bố kể chuyện. Có hôm ông không còn chuyện kể nữa thì bà lại kể cho, đến khi nào ngủ hẳn mới thôi.
II. Kỷ niểm tuổi thơ với bố
Là con trai đầu lòng, đến năm 1965 thì tôi bắt đầu đi học, bố tôi cắt vỏ bao bì URE của Liên Xô lúc ấy bằng vải phíp để mẹ khâu cho tôi cái túi sách hai quai dùng đựng đồ dùng học tập. Duy nhất có cái bảng tập viết bố làm bằng gỗ xoan xin của ông thợ mộc là chắc chắn nhất. Tôi thường chơi đập cầu giấy với các bạn, cái của bạn bè đều hỏng còn cái của tôi bao năm học hết cấp 1 mà không hề việc gì cả.
Từ ngày tôi đi học là bố tôi cũng ít đi chơi cờ. Tối nào bố cũng ở nhà dạy tôi tập viết bảng một lúc. Vừa dạy bố vừa dỗ dành hôm nào nghỉ hè bố cho đi xuống cơ sở bố làm. Thế là dịp mùa hè năm ấy hai anh em tôi và một em con chú nữa ngày nào cũng vậy cứ sáng sớm bố đi làm là gọi cả ba anh em tôi dậy ăn sáng (ăn khoai luộc) rồi đi theo bố khoảng 2 km đến nơi bố làm. Xuống đến nơi anh em vui lắm, từ sáng đến tối mới về. Tha hồ đồ chơi, rộng và mát chỉ có điều là đồ chơi đa phần bằng đất sét nặn vì cơ sở của bố là cơ sở làm gạch gia công cho hợp tác xã. Thỉnh thoảng mới được thay đổi đồ chơi, như hôm nào đốt lò thì có nứa rừng làm củi đốt. Bố lấy cưa cắt cho mỗi người một dóng làm ống phụt nước và mỗi người vài cái chong chóng đan. Ở cơ sở làm của bố nhiều cô bác rất khéo tay. Khi nghỉ giữa giờ thì đan cho các con vật như con ếch, con cá, con chim, giếng nước, bình hoa, hoặc gấp giấy như máy bay, tên lửa, tàu thủy, thuyền bè,… Đồ chơi bằng đất thì nhiều vô kể, khi đốt lò bố còn bỏ vào hấp lửa cho đẹp và bền hơn. Các loại đồ nặn bằng đất sắt như chó, mèo, gà, vịt, chim, rùa, trâu, bi, chuông,… cứ hỏng là các cô các bác và bố lại làm cho cái khác, cứ như thế 3 anh em tôi say mê suốt mùa hè.
Có nhiều ngày máy bay Mỹ cũng oanh tạc phá hoại miền Bắc, cứ có kẻng của Huyện đội báo động có máy bay Mỹ từ biển bò lên, cứ theo hướng dẫn của bố và các cô bác cứ nghe tiếng kẻng là ba anh em lại tự vùng đống cỏ cói ra rồi chui vào giữa nằm chờ, bao giờ máy bay đi không còn nghe tiếng nữa thì mới chui ra. Có ngày giữa trưa bố về nhà, có máy bay lên không có người lớn ba anh em cũng sợ, nhưng khi xuống bố bảo cứ làm thế nó có bỏ bom bên cạnh cũng không việc gì vì cỏ cói và rơm rạ khô là thứ tránh mảnh bom đạn rất tốt.
Thế rồi hết mùa hè anh em tôi lại về đi học. Thỉnh thoảng có ngày nghỉ chủ nhật mới lại được đi chơi kiểu vậy. Và mùa hè năm sau (1967), ba anh em lại được bố cho đi chơi mà cũng là mùa hè cuối cùng của bố với các con. Kỷ niệm này của bố với ba anh em tôi thì không bao giờ quên được. Từ sáng sớm tinh mơ bác cháu đã ríu rít gọi nhau dậy ăn khoai luộc rồi đi ra đồng, trưa thì ăn cơm do bố nấu tại đồng. Hôm nào bố mải quá thì mới về nhà mang cơm xuống, còn tối thì em con chú về nhà chú thím ăn ngủ, còn hai anh em tôi về nhà mình. Cơm tối do mẹ nấu, còn thức ăn hàng ngày thì bố đạy chạn bát ở gần chỗ bố làm ăn không hết.
Những hôm trời mưa to không đi làm được gạch thì bố lại ở nhà bỏ đồ mây tre ra để đan dụng cụ gia đình. Bố là người rất khéo nghề thủ công mỹ nghệ và nghề mộc. Tất cả các đồ dùng bằng tre, gỗ trong nhà lúc bấy giờ ngoài cái mâm tròn bằng gỗ là không phải tự tay bố làm. Vì thế bố mẹ lúc bấy giờ là người có kinh tế ổn định nhất trong các gia đình. Lúc ấy còn nhà tranh tường đất không có cửa hiện đại. Không có nhiều tiền, bố tôi mua nứa rừng về đan thành mê lấy tre cạp lại thành phên, đo chính xác rồi lắp vào cho cửa gọi là liếp. (hay còn gọi là cửa liếp). Khi đó bố tôi còn để lại bộ đồ làm mộc và một nếp nhà hai gian bằng gỗ xoan nhà trồng đã đo cắt và đẽo sơ bớt phần ngoài và cất gửi hy vọng ngày trở về dựng nhà cho vợ con. Khi đó mẹ tôi đang mang bầu 6 tháng em thứ 4 là cô con gái út của bố tôi. Nhưng rồi bố tôi ra đi từ đó không về nữa. Sau 5 năm thì mẹ tôi đã thuê thợ dựng lại căn nhà 4 gian đó để mẹ con tôi ở. Nhà chắc chắn, cửa và hai đầu hồi xây bằng gạch ngày xưa bố tôi được mua theo tỷ lệ %/năm/gạch loại A, trên mái lợp ngói đỏ, cửa đóng bằng gỗ. Nhà được dựng từ năm 1971 đến năm 1989 thì gia đình quyết định phá để làm mái bằng cho em trai út của tôi. Còn các đồ dùng thì chỉ còn vài cái kỷ vật của bố như cửa gỗ, cái mâm gỗ tròn.
Sau khi bố tôi đi bộ đội thì mọi người trong xóm tối đến hay tập trung chơi ở nhà tôi. Có hôm rủ nhau đi họp đội sản xuất, hôm ngồi chơi nói chuyện làm ăn. Những năm tháng đầu thường hay nhắc tới bố tôi. Nhất là lúc bố mới nhập ngũ, các bà nói thiếu bố như thiếu hụt người thân trong nhà, vì bố ở nhà thì nhà nào cũng được bố giúp đỡ rất tốt. Có lần cháy bếp của nhà hàng xóm vào buổi tối, một người phát hiện ra rồi mọi người cứ tên bố tôi gọi, vì bố tôi là người khỏe, nhiệt tình công việc lại nhiều mưu mẹo.
III. 5 lần đi tìm mộ bố
Đến nay tầm tuổi bố tôi ở xóm các ông đều đã mất, chỉ còn các bà già tuổi đến thăm hỏi mẹ tôi và thường kể chuyện bố tôi thời ấy. Nhất là từ ngày gia đình có ý định đi tìm hài cốt của bố tôi là các bà trong xóm lại đến nhiều hơn. Mỗi lần đi tìm thông tin về là tôi lại kể cho mọi người nghe. Năm 1996 gia đình tôi có mời một cựu chiến binh cùng đơn vị với bố tôi ở cùng thôn là ông Lê Quang Cửu cùng em trai thứ hai của tôi là Đào Ngọc Hải, hai chú cháu đi vào Quảng Nam Đà Nẵng 7 ngày, cũng là để ông thăm lại chiến trường xưa, nhân tiện chỉ cho gia đình tôi nơi bố tôi đã hy sinh. Khi vào đến nơi ông chỉ rất rõ về nơi hy sinh của các ông cùng với bố tôi tại núi Quế tỉnh Quảng Nam và được một số người dân cho biết thêm thông tin từ khi Mỹ thu thập thi hài và nơi chôn các ông cùng với bố tôi đã hy sinh và nói là sau khi giải phóng năm 1976 không rõ năm nào thì có quy tập vào nghĩa trang Bình Nguyên của huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam.Từ đó gia đình tôi cũng có tâm niệm là hài cốt bố tôi đã nằm ở đó. Sau đó gia đình tôi qua Phòng chính sách của Quân khu 5 ở Đà Nẵng thì không tìm được tên bố tôi ở đó.
Lần thứ 2 tôi là con trai cả Đào Ngọc Xuất theo thông tin người chỉ mộ liệt sỹ tự nguyện của một ông ở Quảng Ngãi chuyển cho ông Lê Văn Cam ở Thái Bình rồi viết thư báo tín cho cho gia đình tôi năm 1997 nói là ông Đoàn Ngọc Sự ở Hưng Hà Thái Bình có thể là nhầm hay trùng với ông bố tôi là Đào Ngọc Sản. Thế là tôi lại đi đến nghĩa trang tại xã Quế Cường, quế Sơn tỉnh Quảng Nam để xác minh. Nhưng ông Sự vẫn là ông Sự còn bố tôi không thấy gì cả. Cuối cùng tôi lại về nghĩa trang Bình Nguyên, Thăng Bình Quảng Nam để thắp hương tưởng niệm các ông cùng bố tôi.
Lần thứ 3 tôi là Đào Ngọc Xuất đi 10 ngày sau khi nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên ở Hải Dương chỉ thông tin về bố ở Bắc Trà My, huyện Trà My tỉnh quảng Nam(*). Lần này tôi vào Phòng chính sách quân khu tìm rất kỹ mà vẫn không thấy tên của bố tôi. Khi vào Bắc Trà My xác định vị trí mộ nhưng đến nơi thì thấy chỉ là viển vông và bâng quơ cuối cùng tôi đi thăm các nghĩa trang của huyện trong tỉnh Quảng Nam với tâm niệm để tưởng nhớ bố và tìm kiếm xem có ông nào là đồng hương gần nhà mà có tên trong nghĩa trang thì về báo giúp gia đình để vào đưa các ông về.
Lần thứ 4 năm 2002 tôi đi tìm theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Thược xã Thụy Tân, huyện Thái Thụy chỉ mộ bố tôi nằm ở nghĩa trang xã Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam. Tôi và em trai thứ hai của tôi lại vào đó để xác minh thông tin. Tôi thấy các thông tin có đến 70% bà Thược nói đúng. Tôi tâm niệm vậy rồi hai anh em thắp hương xong phải ra về ngay trong ngày vì gia đình đã bố trí ở nhà chuẩn bị sang cát cho bà cụ thân sinh ra bố tôi. Tâm niệm là tắm rửa cho bà nội xong thì sẽ vào tận nơi thắp hương cho bố tôi.
Lần thứ 5 là năm 2011 từ khi nhận được điện thoại của Ông Khuất Quang Cừ qua công an xã Thụy Quỳnh. Từ đó gia đình tôi liên hệ trực tiếp với ông Cừ rồi tiếp tục cùng ông Cừ kêu gọi các thân nhân gia đình liệt sỹ và tìm ra rất nhiều thông tin các ông hy sinh cùng ngày trận 11/5/1969. Nhưng không tìm thấy được một thông tin nào về hài cốt của các ông chính xác hiện nay nằm ở đâu mà chỉ thấy được thông tin về nơi các ông đã hy sinh đêm 11/5/1969 tại Núi Quế. Qua nhiều lần họp xác định thông tin vị trí địa điểm chính xác rồi làm đơn đệ trình các cơ quan có thẩm quyền duyệt quyết định cho đất và cho phép xây dựng một nhà thờ các ông tại Núi Quế, thôn Hương Quế Tây nay là thôn 9 xã Quế Phú, huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam.
Từ ngày có nhà thờ các ông và bố tôi ở trong này thì ở quê các bà hàng xóm sống cùng thời với bố mẹ tôi thường xuyên đến nhà thăm mẹ tôi và hỏi thăm về việc xây dựng và làm nhà thờ. Các bà vẫn nói chuyện về bố tôi cứ như thời ông vẫn còn đang sống ở quê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét