Nhãn

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Đền thờ liệt sĩ Núi Quế - Anh Linh Đài

Bài viết dưới đây giới thiệu về Đền thờ Liệt sĩ Núi Quế - Anh Linh Đài của ông Khuất Quang Cừ được in trong sách 'Di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh Quế Sơn" do UBND huyện Quế Sơn in và phát hành tháng 4/2018.

         Tọa lạc trên sườn Tây núi Hương Quế, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, Đền thờ Liệt sĩ Núi Quế ghi danh bốn mươi liệt sĩ Tiểu đoàn 409 Đặc công Quân khu 5 hy sinh trong trận tập kích căn cứ Mỹ tại Núi Quế đêm 11/5/1969. Đền thờ là một dấu tích lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bi hùng, một minh chứng về tinh thần quả cảm của các chiến sĩ đặc công và đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Đền thờ Nùi Quế - Anh Linh Đài
            Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam. Ngay sau đó, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm với mưu đồ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới để làm bàn đạp tiến công miền Bắc và ngăn chặn làn sóng cách mạng ở Đông Nam Á.
Tháng 3/1965, lần đầu tiên một Lữ đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ với 3500 tên đổ bộ vào Đà Nẵng. Tiếp sau đó, số lính Mỹ và chư hầu được đưa vào miền Nam liên tục tăng lên, cuối năm 1965 đã là hơn 200.000, thời điểm cao nhất lên đến 650.000 tên. Cùng với việc tập trung binh lực, hỏa lực và các loại phương tiện chiến tranh hiện đại tại hai trung tâm lớn là Sài Gòn – Chợ Lớn và Đà Nẵng, chúng thiết lập hệ thống căn cứ quân sự dày đặc ở khắp các tỉnh miền Nam. Hàng ngày, từ các căn cứ này, chúng tiến hành các cuộc hành quân “tìm diệt” lùng sục, càn quét vào khu giải phóng hòng bình định miền Nam trong 18 tháng.
Căn cứ Núi Quế (LZ Baldy)
Thực hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn của Đảng, Quân ủy Trung ương và Trung ương cục Miền Nam chỉ đạo quán triệt trong các lực lượng vũ trang toàn Miền Nam tinh thần "không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết thắng Mỹ"và xác định việc "chống lại một kẻ thù như đế quốc Mỹ không phải dễ dàng, không phải chỉ đem gan óc ra, mà phải có đường lối chiến lược, chiến thuật giỏi”. Trên tinh thần đó, Bộ Quốc phòng chỉ đạo gấp rút tập trung xây dựng các đơn vị đặc công thực sự tinh nhuệ, “mạnh về chính trị, tinh thần; giỏi về tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy; tinh về kĩ thuật, chiến thuật, trang bị…”.
          Bị đánh một đòn đau từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Mỹ điều chỉnh chủ trương “phi Mỹ hóa chiến tranh” thành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Với những thủ đoạn hết sức xảo quyệt và tàn bạo, chúng gây cho phong trào cách mạng miền Nam nhiều khó khăn và tổn thất, "một số đơn vị chủ lực phải rút về căn cứ để củng cố, một số đơn vị của địa phương và du kích cũng rời khỏi địa bàn, nhiều cơ sở bị vỡ" . Trước tình hình đó, BCHTW ra chỉ thị : “Đặc công phải tiến sâu vào lòng địch, đánh liên tục các hậu cứ, các cơ quan đầu não và phương tiện giao thông của địch”[1]. Thực hiện chỉ thị của Đảng, lực lượng đặc công kiên cường "trụ bám các địa bàn, bám dân, bám đất, vừa củng cố xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở, vừa chiến đấu để giữ thế và tạo thế”.
             Với nghệ thuật quân sự độc đáo “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông” và tư tưởng chỉ đạo "bám thắt lưng địch mà đánh", lực lượng đặc công trên các chiến trường đã bám trụ kiên cường, phối hợp cùng các lực lượng vũ trang khác tiến hành hàng loạt trận đánh nhằm vào các mục tiêu quan trọng trong nội đô, các căn cứ, hậu cứ, hệ thống đồn bốt và chi khu quân sự của Mỹ- Nguỵ, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Những chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng đặc công là nguồn khích lệ tinh thần vô cùng quan trọng với quân và dân ta, chứng minh một cách hùng hồn khả năng đánh bại hoàn toàn quân đội Mỹ của Quân giải phóng miền Nam ngay cả "trong điều kiện chúng có mọi ưu thế tuyệt đối về binh khí, hỏa lực" đã góp phần tạo thế và lực của ta trên chiến trường và trên bàn Hội nghị Paris.
         “Sức mạnh của Bộ đội Đặc công là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố con người và vũ khí, trang bị… trong đó yếu tố con người là quyết định nhất”. Phương thức chiến đấu của bộ đội đặc công đòi hỏi ở các chiến sĩ tinh thần hi sinh và lòng quả cảm vô  song. Trận tập kích của các cán bộ  chiến sĩ Đội 1 Tiểu đoàn 409 vào căn cứ của Mỹ tại Núi Quế đêm 11/5/1969 là một minh chứng.

          Là một trong số rất nhiều căn cứ quân sự của Mỹ ở tỉnh Quảng Nam, nhưng do có ưu thế về địa hình và vị trí chiến lược nên căn cứ Núi Quế được Mỹ xây dựng thành tổ hợp quân sự đa năng, khá mạnh gồm một sân bay dã chiến; hai sân bay trực thăng; 2 tiểu đoàn pháo binh 105mm và 155mm; 1 pháo đội 175mm; các đơn vị trực thăng, xe tăng và xe cơ giới; 1 tiểu đoàn công binh; 3 tiểu đoàn bộ binh hỗn hợp được trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại và vũ khí bộ binh mạnh; 1 đại đội truyền tin được trang bị hệ thống ra đa và các đơn vị quân y, tình báo, tiếp vận.... Trong căn cứ luôn duy trì quân số trên 1000 tên, đóng quân ở nhiều vị trí trên khắp 9 ngọn đồi Núi Quế. Ngoại vi căn cứ có 4 lớp rào bùng nhùng, giữa các lớp rào có gài mìn định hướng, mìn 3 chấu và mìn sáng. Trong hàng rào có hệ thống lô cốt canh gác dày đặc, hệ thống đèn pha cực sáng để có thể phát hiện mọi sự đột nhập từ xa. 
Căn cứ quân sự Mỹ tại Núi Quế (ảnh internet)
Đêm 11/5/1969, đối đầu với hơn 1000 lính Mỹ được trang bị hiện đại đến tận răng là 66 chiến sĩ Đội 1 Tiểu đoàn 409, chỉ với chiếc quần xà lỏn, lựu đạn và thủ pháo; hỏa lực mạnh nhất là B40, B41 với số lượng rất hạn chế. Tinh thần quả cảm, vững vàng về tư tưởng - kết tinh của ý chí quyết tâm, lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc - mang đến cho các anh sức mạnh diệu kì. Trong trận ấy, các anh đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 300 tên Mỹ, phá hủy hàng chục lô cốt hầm ngầm và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Để có kết quả ấy, bốn mươi anh đã ra đi và mãi mãi không về. Khi ngã xuống, hầu hết các anh còn rất trẻ và chưa thành gia thất: một người vừa bước sang tuổi 38, còn lại đa phần trong độ tuổi 18 – 25; có anh đã xông pha nhiều trận, có anh mới tham gia 1, 2 trận, nhiều anh mới từ miền Bắc vào, lần đầu xung trận. Các anh là những người lính cảm tử “Lấy độc lập tự do làm quý, coi sơn hà xã tắc là thiêng" sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
 Cay cú trước thất bại nặng nề của trận chiến, quân Mỹ cho xe ủi xác các anh rồi chôn ở đâu không ai rõ. Như hàng trăm ngàn liệt sĩ đến nay chưa tìm thấy hài cốt, các anh không có mộ, không có nơi để người thân thăm viếng phụng thờ. Đây là vết thương luôn luôn nhói trong lòng của những người  thân. Thấu hiểu tâm nguyện của các gia đình liệt sỹ, lãnh đạo Quân khu V và tỉnh Quảng Nam đã cho phép các gia đình xây ngôi Đền thờ tại sườn Tây núi Hương Quế trong khuôn viên đất do Lữ đoàn Tăng- Thiết giáp 574 quản lí. Đây là công trình ghi công liệt sĩ đầu tiên do các gia đình liệt sĩ đứng ra tổ chức xây dựng. 


Lễ khánh thành Nhà bia tưởng niệm Anh linh đài
Trong khuôn viên rộng khoảng 1000 m2, trung tâm Đền  thờ là Phương đình 8 mái, với 8 chim Lạc vươn lên trời cao. Trong Phương đình có một tấm Bia hai mặt bằng đá xanh, đặt uy nghi trên bệ tam cấp. Mặt trước tóm tắt kết quả trận tập kích đêm 11/5/1969 và danh sách 39 liệt sĩ. Mặt sau là Văn bia của GS-AHLĐ Vũ Khiêu. Sau Phương đình, trên án Huyền Vũ là bức Phù điêu rộng gần 80m2 thể hiện hào khí và khát vọng của lớp thanh niên thế hệ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ khi xây dựng đến nay, tại Đền thờ đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tâm linh và tri ân không chỉ của thân nhân các liệt sĩ, mà của cả nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân từ trung ương đến các địa phương, đơn vị. Đây cũng là nơi để một số đơn vị quân đội, công an và các tổ chức đoàn thể giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Đền thờ Liệt sĩ Núi Quế - Anh Linh Đài được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2017.
Đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh
Được xây dựng ở đúng nơi các liệt sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh, Đền thờ mang ý nghĩa lịch sử xác thực. Đây không chỉ là nơi để các gia đình thân nhân của các Liệt sĩ đến viếng hương, tưởng niệm, phụng thờ mà còn là nơi để tất cả mọi người có thể bày tỏ lòng tri ân với những người đã hi sinh vì Tổ quốc. Bài Văn bia và các câu đối của GS-AHLĐ Vũ Khiêu, các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng diễn ra tại Đền thờ trong những năm qua đã thể hiện sống động ý nghĩa và giá trị lịch sử, văn hóa của Đền thờ.
Phó TT Nguyễn Xuân Phúc  ghi lưu bút tại Đền Thờ Núi Quế
Cùng với những di tích trong thôn Hương Quế (Đình làng Hương Quế, Nhà thờ Tộc Phạm, Nhà thờ Tộc Nguyễn, Văn thánh Hương Quế, cụm 3 Miếu thờ và Bia đá cổ Văn hóa Chăm), Đền thờ Liệt sĩ Núi Quế - Anh Linh Đài sẽ tạo thành quần thể di tích có giá trị mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tình yêu quê hương đất nước.
Tài liệu tham khảo
-  Đảng và Bác Hồ - từ Điện Biên đến Đại thắng Mùa Xuân 1975, NXB TT&TT, 2015;
- Binh chủng Đặc công 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, NXB LĐ, 2012;
-  Lịch sử Bộ đội Đặc công Quân khu V, NXB QĐND, 1998;
- Lịch sử Tiểu đoàn Đặc công 409 QK5, NXB QĐND, 2002;
- Báo cáo của ông Khuất Quang Cừ tại Lễ khánh thành Đền thờ ngày 11/5/2012;
[1]  Đảng và Bác Hồ, Từ Điện Biên đến Đại thắng mùa xuân 1975, NXB TT&TT, 2015, trang 112.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét