Câu chuyện của Nhà thơ Vũ Bình Lục: Về ban tham mưu tiểu đoàn đăng trên Văn Hiến Việt Nam (online) ngày 04/9/2018.
Khoảng tháng 3 năm 1970, đoàn cán bộ
trẻ chúng tôi về đến đơn vị. Ban chỉ huy tiểu đoàn 409 vui vẻ, hào hứng đón tiếp
anh em “tân khoa” trở về, rồi phân công mọi người về nhận nhiệm vụ mới. Tình trạng
thiếu cán bộ có vẻ như đang rất khẩn cấp. Và thực ra thì lúc nào cũng khẩn cấp
cả. Mỗi trận đánh, dẫu có thắng lợi hay thất bại, đều kèm theo đó là sự hy
sinh. Đánh nhau mãi, may mắn mãi rồi cũng có khi gặp lúc nguy nan, ai biết trước
được điều gì sẽ đến?
Tất cả mấy anh em trong đoàn trở về đều được giao phụ
trách các đại đội, trung đội. Riêng tôi được điều về Ban tham mưu tiểu đoàn làm
công việc trợ lý tham mưu tác huấn (tham mưu tác chiến và huấn luyện bộ đội).
Trong số mấy anh em, có lẽ tôi là người có trình độ “học vấn” cao hơn cả, nên
viết bài khóa luận được nhà trường đánh giá cao, do vậy lãnh đạo cấp trên bổ
sung tôi vào Ban tham mưu của tiểu đoàn hay chăng? Ban tham mưu tiểu đoàn đặc
công 409 bấy giờ gồm có 3 người, do anh Bảy làm tham mưu trưởng. Anh Long
(không biết họ) quê ngoài Bắc, nguyên là đại đội trưởng đại đội 1 được điều về
đây và tôi, cán bộ mới toe. Chính trị viên tiểu đoàn là ông Trần Văn Viết. Ông
Cương là chính trị viên phó. Ông Đỗ Tiến Vạn được điều đi nhận nhiệm vụ mới ở
đơn vị khác không rõ từ lúc nào.
Mới gần đây thôi, ông Khuất Quang Cừ, quê huyện
Ba Vì (Hà Tây cũ), đại tá công an đã nghỉ hưu tìm đến nhà tôi chơi.
Ông Cừ cho hay rằng ông chính là em trai liệt sĩ Khuất Quang Phiệt,
cùng nhập ngũ một ngày với với nhóm các chiến sĩ Hà Tây, vào
tháng 6 năm 1968. Hỏi sao biết tôi và số máy ? Ông Cừ bảo em biết bác
là do đọc được cuốn sách ĐI QUA CHIẾN TRANH của bác, ở đó có số
máy do chính bác ghi vào đó. Ồ ra vậy !
Ông Cừ cho biết thêm rằng anh trai ông hy sinh ở
Núi Quế (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Liệt sĩ Khuất Quang Phiệt
là chiến sĩ đại đội 1, tiểu đoàn đặc công 409. Đại đội này do ông
Long chỉ huy. Qua thông tin của ông Cừ, bây giờ mới chính thức biết họ
tên đầy đủ của ông Long là Phan Đình Long, quê Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Ông Long khi ở ban tham mưu cùng với tôi đầu năm 1970, bấy giờ cũng
chừng gần 40 tuổi. Sau trận tập kích núi Quế, đại đội 1 của ông Long
hy sinh 40 chiến sĩ. Đối với đặc công trong thời điểm ấy, biên chế
một đại đội cũng chỉ khoảng năm sáu chục người, đôi khi cũng chỉ ba
bốn chục người, vậy mà hy sinh 40 người trong một trận đánh là quá
lớn. Theo lời kể của ông Phan Đình Long thì trận này chuẩn bị tương
đối kỹ càng. Trực tiếp chỉ huy là cán bộ quân khu, chứ không phải
ông Long đích thân chỉ huy. Bốn chục chiến sĩ ở nhiều địa phương như
Thái Bình, Hà Tây, Quảng Nam, Bình Định, Phú Thọ…hy sinh. Nguyên nhân
là do bị lộ, địch đã đối phó kịp thời.
Theo tài liệu của ông Long còn giữ lại đến nay,
thì đại đội 1 của ông được giao tập kích căn cứ Mĩ do lữ đoàn 196
chốt giữ. Đêm 11-5, rạng ngày 12, đại đội 1 gồm 66 chiến sĩ, chia làm
6 mũi tiến công. Tuy nhiên, yếu tố bất ngờ đã không còn nữa. Bộ đội
ta phải hứng chịu những đòn phản kích ác liệt của đối phương. Nhưng
các chiến sĩ của ta vẫn anh dũng tiến công mạnh mẽ, đánh vào các cơ
sở hậu cần, thông tin và các căn hầm trú ẩn của địch. Theo con số
báo cáo của ta thì quân Mĩ bị tiêu diệt 295 tên. Phía ta chỉ còn có
26 người trở về. 40 chiến sĩ nằm lại rải rác quanh hàng rào thép
gai của địch. Sáng hôm sau, Mĩ cho quân đi tìm kiếm xác anh em mình
trên trận địa, gom về chất lên xe tải chở đi đâu mất. Có ông người quê
ở đây làm thông dịch cho quân Mĩ, tên là Nguyễn Hữu Cầu, hôm đó cũng
ở trong căn cứ này. Theo lời kể lại của ông Cầu, sau đợt tiến công,
sáng hôm sau thì ông chui ra khỏi hầm trú ẩn, nhìn thấy nhiều xác
chiến sĩ ta hy sinh, nằm rải rác đó đây. Ông cũng chứng kiến cảnh
quân Mĩ thu gom xác anh em mình, chất lên xe tải chở đến một bãi cát
cách căn cứ khoảng 3 km, cách quốc lộ 1 khoảng hơn 100 mét, chôn ở
đó. Nhưng ông cựu binh Mĩ thì lại bảo rằng họ đào hố chôn ngay trong
căn cứ, gần cây cầu. Hiện thời vẫn chưa thể tìm ra tung tích cái nấm
mồ chung của các chiến sĩ đặc công đại đội 1. Chính tên lái xe tải
Mĩ từng viết trong một trang mạng cá nhân rằng hắn đã buộc dây vào
chân (vào tay hay vào cổ) một chiến sĩ đã hy sinh, rồi cho xe kéo
vòng quanh các con đường trong căn cứ, như một kiểu trả thù đối phương
cho hả dạ. Đây không chỉ là một hành động duy nhất mà lính Mĩ từng
thực hiện trong chiến tranh ở Việt Nam. Ở đâu cũng có tình trạng
này. Anh bạn cùng quê tôi là Đỗ Đức Tốc, lính đặc công bị thương rồi
bị giặc bắt. Chúng tra khảo mãi, nhưng Tốc vẫn không chịu đầu hàng.
Lính Mĩ buộc dây điện vào chân anh, rồi dùng xe zep kéo lê trên đường
nhựa, đến tan xương nát thịt thì thôi. Đó là một hành động vô cùng
hèn hạ. Liệt sĩ Đỗ Đức Tốc được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân.
Cùng đêm 11-5 năm 1969 ấy, đại đội 2 của chúng
tôi được giao tập kích căn cứ Mĩ trên đồi Phước Tiên, huyện Tiên
Phước, tỉnh Quảng Nam. Chuyện này tôi đã viết trong ĐI QUA CHIẾN TRANH.
Cuốn sách này đang được chỉnh lý và bổ sung thêm một số tư liệu mới
nữa, cũng sẽ ra mắt bạn đọc nay mai !
Tôi về ban tham mưu tiểu đoàn đặc công 409 thì
đã thấy ông Long ở đó rồi. Thảo nào thấy ông ấy không mấy khi vui,
hay nằm võng im lặng nghĩ suy gì đó. Mấy năm gần đây, quan hệ Việt –
Mĩ đã có phần bớt đi màu sắc thù địch, một số cựu binh Mĩ lần
lượt sang Việt Nam thăm lại chiến trường xưa. Hình như hình ảnh cuộc
chiến tranh phi nghĩa năm xưa vẫn còn ám ảnh tâm hồn họ, day dứt lương
tâm họ.
Có một cựu binh từng tham gia trận Núi Quế đã
tìm về Quế Sơn, nơi ông ấy đã từng nổ súng giết mấy chục chiến sĩ
quân giải phóng Việt Nam. Chính ông này đã cung cấp bản đồ, đồng
thời chỉ dẫn nơi chôn xác 40 chiến sĩ đặc công đại đội 1, tiểu đoàn
409. Sau trận đánh, quân Mĩ thu gom xác các chiến sĩ ta, dùng máy đào
một cái hố rộng, rồi ủi họ xuống, lấp đất. Mấy chục năm rồi, quang
cảnh núi Quế ngày xưa đã thay đổi nhiều, nhưng vì có bản đồ chiến
sự cũ, nên người cựu binh Mĩ vẫn có thể chỉ ra vị trí nấm mồ tập
thể. Xương cốt đã không còn được nguyên vẹn, lại lẫn lộn nhiều
người, nên việc tìm ra và phân loại từng cá thể là không thể được.
Tuy nhiên, ông Long còn ghi chép được gần đầy đủ tên tuổi các liệt sĩ
từng do ông chỉ huy, trong đó có 13 chiến sĩ quê Thái Bình. Cụ thể
như sau:
1. Đào Ngọc Sản (Thái Thụy)
![]() |
Bản đồ Căn cứ Núi Quế do một cựu lĩnh Mĩ cung cấp |
2. Lê Đăng Nghi (Thái Thụy)
3. Vũ Văn TY (Thái Thụy)
4. Phạm Văn Sơn (Tiền Hải)
5. Bùi đăng Rong (Tiền Hải)
6. Lê Bá Rựng (Thái Thụy)
7. Tạ Ngọc Nhuận (Thái Thụy)
8. Nguyễn Trường Tín (Thái Thụy)
9. Bùi đăng Năng (Kiến Xương)
10. Nguyễn Đình Duy (Kiến Xương)
11. Nguyễn Văn Hòa (Thái Thụy)
12. Vũ Duy Miêng (Thái Thụy)
13. Đào Ngọc Văn (xã Thụy Hà, Thái Thụy)
14. Ông Phan Đình Long hiện cư trú tại thị trấn Kinh
Môn, tỉnh Hải Dương.
Tôi được sắp xếp ở riêng một cái lán lợp lá mây trên
lưng chừng một quả đồi, đối diện với tiểu đoàn bộ, làm công việc vẽ bản đồ và
trực chỉ huy. Dưới căn nhà là một cái hầm rộng, được gác bằng những cây gỗ tròn
khá to. Nếu trúng bom thì chưa chắc đã thoát, nhưng nếu là đạn pháo thì có thể
an toàn hơn. Đường dây thông tin của Ban tham mưu được rải xuống các đại đội
nằm rải rác trên mấy quả đồi, cây rừng rậm rạp. Công việc của tôi là nhận báo
cáo hàng ngày và truyền đạt mệnh lệnh của tiểu đoàn xuống các đơn vị. Ngoài ra
thì vẽ bản đồ tác chiến. Thời kỳ đầu chỉ là các công việc ở căn cứ, như huấn
luyện tác chiến, cử người đi xuống vùng sâu lấy gạo hoặc đi lao động sản xuất ở
nơi này nơi khác. Khu nhà ăn của chỉ huy sở tiểu đoàn nằm bên cạnh con suối
dưới chân dốc. Hàng ngày cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn bộ xuống đó để ăn, rồi
lại tản về các căn nhà dựng trên những căn hầm khá kiên cố xung quanh mấy quả
đồi có cây xanh che phủ. Cậu Đào Trọng Thìn, người anh em chú bác của Đào Trọng
Xuyên (đã hy sinh khi tập kích căn cứ Tuần Dưỡng lần thứ nhất) làm lính nuôi
quân. Không còn nhớ chính xác cậu này được điều động về đây từ bao giờ, nhưng
có lẽ là trong thời gian tôi đi học ở Ba Tơ. Vì là người cùng làng, nên cậu
Thìn rất quý tôi, coi tôi như người anh ruột thịt của mình ở nơi rừng sâu núi
thẳm này, nên thi thoảng tôi cũng xuống đó xem có cái gì tàm tạm để nhét vào
cái bụng đang lép kẹp này không. Đôi khi cũng chỉ là để chuyện phiếm với nhau
mấy câu cho vui thôi.
Khi tôi được lãnh đạo tiểu đoàn cho đi chữa bệnh tại
bệnh viện quân y C17, Thìn tặng tôi chiếc áo ga-ba đin còn mới. Sau này trên
đường ra Bắc, qua đất bạn Lào ven Trường Sơn Tây, tôi dùng chiếc áo này đổi cho
bà con dân tộc Lào được một nải chuối chín. Thìn ở lại, sau rồi nó cũng hy
sinh, không rõ ở đâu trên núi rừng Quảng Nam, khi tôi được chuyển đi bệnh viện
C17 và tiếp đó là ra Bắc điều dưỡng...
Một buổi chiều muộn, sau khi đã hoàn thành công việc
vẽ bản đồ, tôi lại mò xuống nhà bếp, nhưng nồi cháo bột ngô to tướng đặt trên
bếp Hoàng Cầm vẫn chưa kịp chín. Phải chờ. Đêm nay bộ đội tập đêm. Tôi ngồi chờ
nồi cháo ngô chín để kiếm một bát cho ấm bụng. Bếp Hoàng Cầm đỏ rực than lửa.
Ngồi bên cạnh tôi là một anh bạn nữa không nhớ tên. Chờ nồi cháo ngô chín bên
bếp lửa Hoàng Cầm rực đỏ, lại chợt nhớ những lần ngồi bên bếp lửa chờ nồi bánh
chưng hồi còn nhỏ ở quê nhà. Tết đến là nhà nào cũng gói bánh chưng, nấu bằng
cái nồi 30 to tướng. Nhà tôi có cái nồi 30 bằng đồng rất quý này từ hồi xửa hồi
xưa, thường dùng trong những ngày có tiệc lớn, đến cuối năm thì để nấu bánh
chưng. Cha tôi thường đảm nhiệm việc gói bánh. Tôi phục vụ loanh quanh, rồi
cũng tự gói lấy một vài cái bánh chưng nhỏ xíu, đặt lên trên nồi bánh. Ngồi chờ
nồi bánh chưng chín dần trong đêm ba mươi tết, cũng là khoảnh khắc rất chi là
thú vị, găm mãi vào ký ức một đời người. Đang ngồi bên bếp lửa nghĩ ngợi vu vơ
cho ấm thì bỗng đâu một quả đạn pháo rất lớn không biết từ phương nào bắn tới.
Chúng chỉ bắn duy nhất có một quả thôi, nhưng mà cỡ đạn rất lớn, tương đương
một quả bom nhỏ. Đạn xé không khí rít lên và ngay sau đó là tiếng nổ chói tai
nhức óc chụp lên cánh rừng. Tôi giật mình đánh thót. Một mảnh đạn pháo xuyên
qua khe vai của tôi và anh bạn ngồi bên, rồi nó cắm phập vào bếp than hồng, làm
tóe lên những tia lửa than đỏ vung vãi. Ôi chao! Chỉ cần nó lệch sang một phía
nào đó là một trong hai chúng tôi ngoẻo luôn tại chỗ rồi. Thật hú vía. Cây cối
gãy cành ngổn ngang, khét lẹt mùi thuốc pháo. Có tiếng kêu thất thanh. Một anh
lính đang tập đêm trúng mảnh pháo chụp, gãy mất một cái chân. Tiếng gọi nhau ơi
ới. Nghe nói y sĩ Mạnh, quân y của tiểu đoàn bộ đang kịp thời băng bó cho người
bị thương. Y sĩ Mạnh rất giỏi chuyên môn, lại có nhiều kinh nghiệm mổ sẻ các ca
cấp cứu quan trọng. Vậy nên anh em ở đây thường quý trọng anh, “phong” luôn cho
anh Mạnh là Bác sĩ ngoại khoa. Nhưng dù tài giỏi đến mấy, trong trường hợp này
thì bác sĩ Mạnh cũng không thể cứu được anh lính trẻ bị thương quá nặng. Hôm
sau thì nghe tin anh lính bị đạn pháo cưa cụt một chân đêm qua đã chết. Có lẽ
cậu ấy ra nhiều máu quá chăng. Ở trong rừng, những cái chết thương tâm như thế
vẫn diễn ra thường xuyên. Một quả đạn pháo bắn vu vơ lên rừng vào ban đêm, đôi
khi bộ đội ta bị thương vong không phải là ít. Hầu như đêm nào bọn lính pháo
binh địch cũng bắn vu vơ lên rừng như thế. Trên rừng thì chỗ nào mà chả có Việt
Cộng cơ chứ! Cứ bắn bừa lên, trúng hay trật mặc lòng. Bom đạn của Mĩ chở sang,
cứ việc bắn vô tư. Nước Mĩ giầu có và hùng mạnh nhất thế giới cơ mà. Bộ đội
mình anh nào không may trúng đạn thì đành phải chịu thôi...
![]() |
Một số chiến sĩ còn sống sót quê Hà Tây gặp nhau tại Ba Vì năm 2017 |
Khi tôi trở về căn nhà lợp lá mây của mình thì đã thấy
cành cây ngổn ngang khắp nơi. Căn nhà của tôi cũng trúng nhiều mảnh đạn pháo
trên mái lá. Sờ đến chiếc võng thì thấy rách và thủng mấy chỗ. Thật là may mắn
làm sao! Nếu tôi không mò xuống nhà bếp thì chắc cũng tiêu rồi. Số mình vẫn còn
được sống. Có ai đó xui mình rời khỏi căn nhà này đâu? Mình cũng chả biết sự
việc diễn ra như thế này mà tránh đi. Ông Nam Tào trên trời lại một lần nữa
chưa muốn gạch tên mình trên cuốn sổ số mệnh nghiệt ngã kia chăng?...
Tình hình chiến sự của năm 70 rất căng thẳng. Các nơi
khác thì tôi không được biết, nhưng ở Quảng Nam lúc đó, những cuộc giao tranh
giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt. Sư đoàn 2 của ông Nguyễn Chơn đối đầu
với sư đoàn 2 lính Cộng Hòa của Nguyễn Văn Thiệu. Phía ta chủ trương tiến công
mạnh mẽ vào các đơn vị lính Cộng Hòa, đương nhiên là cả lính Mĩ và bọn đánh
thuê nữa.
Một chuyến công tác xuống đồng bằng, chúng tôi đôi khi
phải đi giữa ban ngày. Phải ngụy trang cẩn thận mà đi. Máy bay trinh sát OV10
bay ở tầm cao, tầm thấp đủ cả. Máy bay hai thân chở theo tuyên truyền viên của
“Bộ chiêu hồi” chính quyền Sài gòn, bay vè vè trên đầu, lượn đi lượn lại nhiều
vòng. Tiếng con gái trên máy bay cứ eo éo vang cả bầu trời, quanh đi quẩn lại
cũng chỉ có một câu đại loại như: “Hỡi các cán binh Việt Cộng trung đoàn 31
(của sư đoàn 2 Nguyễn Chơn)! Các bạn đang bị quân lực Việt Nam Cộng Hòa bao
vây. Các bạn hãy mau chóng về theo chính nghĩa quốc gia”... Chúng còn đọc rõ
tên ông trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn, rồi các ông chỉ huy chủ chốt
khác nữa. Nghĩa là họ đã biết tất cả nội tình của quân Việt Cộng trung đoàn 31,
sư đoàn 2. Thế là đã có gián điệp trong nội bộ của ta rồi. Chúng còn đọc tên cả
một số cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn đã chiêu hồi theo “chính nghĩa
quốc gia” trước đó nữa. Trong những thông tin ấy, có cái hoàn toàn chính xác,
nhưng cũng có cái chúng chỉ phao đại lên, nhằm tác động vào tâm lý đối phương,
làm lung lay tinh thần binh sĩ của ta mà thôi. Chiến tranh tâm lý cơ mà! Mặc
những tiếng con gái eo éo trên đầu nghe sốt cả ruột, chúng tôi cứ đi, vừa đi
vừa nghe. Việc ai nấy làm, nói cứ ra rả nói, đi cứ thong thả đi, thế thôi! Ở
chiến trường này thì cái vụ tuyên truyền cứ “diễn ca” thường xuyên như thế,
cũng chả lạ gì...
Đợt này đơn vị tôi được giao trách nhiệm tập kịch vào
căn cứ của đối phương, mà địa chỉ cụ thể là quận lỵ quận Quế Sơn (nay là huyện
Quế Sơn) tỉnh Quảng Nam bây giờ. Thời kỳ chiến tranh còn có địa danh tỉnh Quảng
Đà và tỉnh Quảng Tín...Đây là lần đầu tiên tôi tham gia trinh sát chuẩn bị
chiến trường, với tư cách là cán bộ tham mưu của tiểu đoàn đặc công 409 lừng
danh. Năm ấy, tôi vừa tròn 22 tuổi....
Vũ Bình Lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét