Nhãn

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Chuyện kể về các Liệt sĩ đặc công Núi Quế, Quảng Nam


 Ông Khuất Quang Cừ :
Năm 2011, gia đình tôi có nhờ cô Trần Chi Lan, giáo viên tiếng Pháp trường THCS Chu Văn An, đến giúp tìm mộ anh trai tôi là liệt sĩ Khuất Quang Phiệt.

Tính đến thời điểm đó, tôi đã tìm gặp khoảng hơn 20 nhà ngoại cảm, mỗi người chỉ một địa điểm khác nhau, nhưng kết quả vẫn là con số không.

Cô Chi Lan thì khác. Sau khi “gặp “ các liệt sĩ, cô nói: “ Về việc tìm hài cốt, các liệt sĩ đã siêu thoát rồi, không nên đi tìm và không tìm được đâu”.

Vì đang mong mỏi tìm được hài cốt anh tôi nên mọi người trong gia đình ai cũng thất vọng. Thế nhưng đó là sự thực : cho đến nay, chúng tôi vẫn không có được hài cốt các anh.

Hơn 9 năm trôi qua, tháng 3/2020 vừa rồi tôi có duyên gặp cô Trần Chi Lan trên Facebook. Tôi  nói với cô về Anh Linh Đài và những băn khoăn về phần mộ các liệt sĩ. Cô Lan nói sẽ xin gặp các liệt sĩ để giúp các gia đình.

Những cuộc “gặp gỡ” ấy được cô Trần Chi Lan ghi lại trong bài viết dưới đây.
Đêm muộn, ở Sing đã bước sang Ngày Phật Đản, chú Cừ nhắn tin: Liệt sĩ Đào Ngọc Văn quê ở Thái Bình, người mà chú chưa tìm được gia đình để liên lạc, thực ra không chết. Trận đánh diễn ra vào đêm 11, sáng 13 địch tìm được chú ấy-bị thương, giam vào tù, đến 1973 thì trao trả. Mình hứa sẽ thắp hương nhân ngày Rằm, và xin các liệt sĩ Núi Quế phù hộ, để chú Cừ - em trai Liệt sĩ, tìm được manh mối, liên lạc được với người đồng đội, duy nhất còn sống sót trong 40 liệt sĩ đặc công, hi sinh trong đêm 11.5.1969.
Trang ghi chép về cuộc gặp LS Phiệt (từ 15.6.2011)
Đọc tin nhắn của chú Cừ, mọi chi tiết về gặp gỡ với các liệt sĩ Núi Quế theo dòng chảy của kí ức, hiện lên. Tháng 6.2011, cô Thật, cô giáo của mình ở Khoa Pháp biết tin mình có khả năng, điện thoại, nhờ mình đến “gọi hồn” anh trai của chồng cô, là liệt sĩ chống Mỹ. Mình đến đúng dịp họp mặt gia đình, nên có khá đông anh em con cháu cùng dự. Vì gia đình đã thắp hương, báo cáo Tổ tiên và liệt sĩ, nên khi mình “gọi”, thì chú liệt sĩ xuất hiện, cùng với bố và có thêm rất nhiều đồng đội nữa. Hồi đó, chú Cừ, em trai liệt sĩ đã đi tìm anh trai khắp nơi, và đã biết chính xác ngày hi sinh rồi (đúng như giấy báo tử), kể cả đã khoanh vùng được nơi xảy ra trận đánh. Chú liệt sĩ Khuất Quang Phiệt lên, kể lại một số chi tiết.

(Mình có mang sang Sing quyển sổ công tác, ghi chép các cuộc gặp với gia đình LS, từ 2010 đến 2012, nên giờ mở ra, thì nhớ lại rõ ràng.
Chú LS tả cảnh đánh đồn, anh em tiến vào, đã qua được hàng rào thép gai, thì đạn pháo trong đồn tuôn ra, các chú hi sinh gần như 1 lúc. Chú LS nhắc đến tên 2 người bạn. LS Phúc và LS Tuấn, xong rồi nói là LS Tuấn chết ở trận đánh trước đó mấy tháng, vào ngày 23 tháng 2...
Khi em trai chú nhắc đến chuyện muốn tìm mộ, chú nói không cần nữa, vì các LS đã siêu thoát. Nhưng lúc chú Cừ bày tỏ ý kiến muốn xây 1 ngôi mộ chung, dựng bia tưởng niệm, chính tại nơi các anh hi sinh, thì các LS vui lắm, đồng ý ngay. Các chú nói sẽ “phù hộ” để công việc xây mộ nhanh chóng, anh em còn có chỗ tụ về.
Thế rồi bẵng đi gần 10 năm, mình nghỉ việc dạy học, theo chồng vào Sài Gòn, rồi sang Sing. Cô Thật mới kết bạn FB với mình năm ngoái, nhưng mình cũng không hỏi cô về việc chú LS nữa, vì thực tế, mình cũng không còn khả năng liên hệ với từng cá nhân LS như trước. Cuối tháng 3. 2020, chú Cừ kết bạn FB với mình, và nhắn hỏi bao giờ cháu về, chú muốn gặp. Đang Dịch, lại đọc thông tin trong trang Web chú gửi kèm, thấy sắp đến giỗ LS, nên mình nhắn chú, nếu có hỏi việc gì, giúp được, mình sẽ giúp, chứ đợi đến lúc mình về Hà Nội thì...hơi lâu. Chú bèn liệt kê mấy câu hỏi, chủ yếu muốn biết ý kiến của các LS về nơi thờ cúng chung mà các Gia đình đã làm. Có cách nào không, để xác định mộ của 40 Liệt sĩ trong Nghĩa trang ? Có còn những điều các anh muốn nhắn nhủ tới Gia đình?
Khi mình vào đọc trang Web về Anh Linh Đài, mới thấy công sức của chú Cừ, của các Gia đình 40 Liệt sĩ đặc công Đại đội 1 - Tiểu đoàn đặc công 409, Quân khu V , hi sinh vào đêm 11, rạng sáng ngày 12.5.1969 là không hề nhỏ. Chú Cừ đã kiên trì kết nối, tìm được các thông tin quan trọng về trận đánh. Tìm được cả chỉ huy Đại đội, người đã tỉ mỉ ghi lại hết tên, quê quán các chiến sĩ trước mỗi trận đánh. Vì người đại đội trưởng có tâm đó biết rằng, là chiến sĩ đặc công, khi vào trận, mỗi người chỉ mặc độc chiếc quần xà-lỏn. Vậy là lúc hi sinh, các anh chấp nhận mất cả tên mình.
Bìa trang thông tin của thân nhân liệt sĩ Anh Linh Đài
Thế mà rồi, với lòng quyết tâm, cùng với sự phù hộ của các LS, chú Cừ đã kết nối được hầu như toàn bộ các gia đình. Chỉ còn 3 LS, chưa tìm được người thân (trong đó có chú Văn, người Thái Bình, nhắc đến ở đầu câu chuyện này). Các gia đình đã xin phép địa phương, và tự tổ chức thi công một Đền thờ có bia khắc tên các Liệt sĩ vào năm 2012, ở Núi Quế, theo ý nguyện của các Liệt sĩ, 1 năm sau lần chú Cừ “gặp’ anh trai tại nhà riêng.
Các Liệt sĩ cực kì linh thiêng, vẫn muốn được “trả lại tên”. Đến tháng 4.2016, chú Cừ đã có mặt tại cuộc gặp giữa đại diện tổ chức “Hành trình của tình anh em” (Ride of the Brotherhood – RotB) Mỹ với phía Việt Nam, trao trả các di vật của Liệt sĩ và 1 số tài liệu liên quan đến các trận đánh, các hố chôn tập thể. Và trong đó, thật bất ngờ, có thông tin về hố chôn tập thể nằm trong căn cứ Núi Quế !!!
Tuy nhiên, trước đó, hố chôn đã được tìm thấy, và các hài cốt đã được đưa vào Nghĩa Trang Liệt sĩ, với 49 ngôi mộ. Điều day dứt của các gia đình là làm sao phân biệt được đâu là hài cốt của 40 LS đại đội 1, hi sinh đêm 11.5 trong 49 ngôi mộ của Nghĩa Trang ? Khó hơn “mò kim đáy biển”.
Để ghi nhớ chiến công lẫy lừng của các chiến sĩ đặc công vào đêm 11.5.1969, tỉnh Quảng Nam quyết định nâng cấp, mở rộng Đền thờ 40 Liệt sĩ Núi Quế-công trình do các gia đình LS xây dựng từ 2012. Đền thờ còn được xếp hạng Di tích Lịch Sử cấp Tỉnh. Đến tháng 1.2020, Khu Di tích lịch sử Anh Linh Đài Núi Quế đã hoàn thành. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dâng hương, cắt băng khánh thành Khu Tưởng niệm.
Chú Cừ, em trai Liệt sĩ Phiệt, kết nối với mình, để hỏi liệu các LS đã hài lòng ? Có còn muốn nhắn nhủ điều gì khác không ? Có thể nào trả lời cho các gia đình, vẫn ngày đêm mong ngóng tìm lại được hài cốt các LS, sau chừng ấy năm ?
Chú Cừ liên lạc với mình gần đúng Rằm. Cứ như các LS thúc giục. Ngày Rằm tháng 3 âm lịch, mình thắp hương hỏi ý kiến bốmẹ chồng, cũng là mời các LS về gặp mình luôn. Bố chồng dặn : con chỉ có thể giúp các LS Đi siêu thoát, mà không thể giúp việc tìm hài cốt ! Nhưng mình biết, nếu các LS còn “ấm ức” thì khó mà ĐI được. May quá, các LS cũng “về”. Và nhắn rằng : họ giờ là MỘT, xin các gia đình đừng đào xác và mang về quê nữa (nhưng cũng không trách cứ một số trường hợp đã mang hài cốt về) ! Các LS đưa ra 1 số thông tin, chắc để chú Cừ, ở đầu Hà Nội tin tưởng hơn. Chú Cừ kiểm tra luôn, và trả lời, gần như lập tức. Không trả lời các câu hỏi vềhài cốt của từng người trong nghĩa trang, nhưng các Liệt sĩ lại “thi nhau” tả về “ngôi mộ chung” ở Núi Quế. Các chú nói nơi đó sẽ là nơi tụ họp của các Liệt sĩ hi sinh trong Vùng, nên muốn có thêm nhiều cây xanh lấy bóng mát; xin hàng ghế đá cạnh hồ nước để anh em về, có chỗ ngồi nghỉ... Vợ chồng mình cực kì cảm phục tâm sáng của chú Cừ, càng muốn giúp đỡ các LS Núi Quế nhiều hơn. Mình nghe thêm (nên tin là chú LS Phiệt có mặt) lời nhắc đến 2 LS Phúc và Quốc Tuấn. Bảo rằng đã nói với cháu “từ lần gặp trước”. Nên buổi chiều, mình vội đi lục đống tài liệu ít ỏi mang theo sang Sing, thì quyển sổ nhỏ, ghi chép các cuộc “gặp LS” của mình hồi đầu “nhập đồng” rơi ra và tự lật đến trang gặp nhà cô Thật, chú Cừ . Và trong đó, đúng là có tên 2 LS Phúc và Tuấn. Chú Cừ xác nhận : LS Phúc ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, cách nhà chú 10km, lại gần tuổi (LS Phúc hi sinh lúc 19t, LS Phiệt-18t), nên chắc ngày xưa ở đơn vị 2 chú thân nhau !


Giỗ bố Đắc, 2 ngày trước giỗ các LS Núi Quế, chăm chăm định sẽ tranh thủ hỏi bố thêm thông tin... 10h hơn, bố giục mình là các LS đã Về, con đặt ngay bát cơm quả trứng úp để Bố đưa các LS đi. Vội vàng luộc trứng. Và sắp 1 mâm cúng “đặc biệt”. Thường mình không cúng “tanh”, mà hôm đó mua đủ cua biển,tôm, cá hồi ... Không quên lời nhắn của các LS từ hôm trước : “dặn các gia đình, nếu giỗ thì nhớ đặt ớt. Lương khô của chúng tôi ngày xưa đấy”. Mãi sau, mình mới hiểu (do chồng giảng) : ở Quảng nam là vùng trồng ớt. Các LS đặc công đánh đồn, toàn thân bôi bùn hóa trang chỉ được mặc mỗi quần xà lỏn, ban đêm lạnh lắm. Ớt sẽ là cứu cánh của các chú !!!
Vậy mà có chú lại bảo : cho xin đĩa sắn luộc. Mình chợt ớ ra, đúng là mình còn 1 phần sắn đã luộc từ hôm qua, để dành cho chồng ăn sáng, mà chưa kịp ăn. Thật nể lính đặc công !!!
Thế nên em Chi Mai từ Đức cứ thắc mắc khi xem ảnh, sao trong mâm cỗ cúng lại có đĩa gì đen đen, như khoai lang .
Mâm cơm cúng các liệt sĩ
Hôm đó, hương gần tàn, là mình ngồi Thiền, đẩy thêm Năng lượng, hầu giúp các LS ĐI THANH THẢN. Hơn 1h chiều, chạy ra nhìn trời, có đám mây hình trái tim. Nên mình tin : các Liệt sĩ Núi Quế đã nhận được năng lượng của mình !
Ảnh: fb/Trần Chi Lan
 Đến ngày giỗ của các LS, 25.3 âm lịch, mình đã mua nhiều hoa quả, định thắp hương buổi trưa. Mà lại nghe tiếng nói : hãy cúng sau 12h đêm, chúng tôi chết sáng ngày 12 cơ. Thế là vợ chồng mình đợi đến quá 12h đêm mới thắp hương cho các LS. Gái Bé cũng ngoan ngoãn đợi cùng bố mẹ. Các LS bảo cho lộc Gái Lớn ở tận Mỹ. Sáng hôm sau, con báo tin đâm xe. Mình và con không tiếc của, mà thở phào, hiểu vì sao các LS chỉ cho nó lộc. Các chú đã đỡ cho con hạn nặng thành hạn nhẹ : xước xe, thì chỉ phải sơn lại, chứ ảnh hưởng đến tính mạng, tiền nào mua?
Trở lại câu chuyện hôm qua, đúng ngày Phật đản, tròn 1 tháng sau khi các LS quay lại gặp mình (sau gần 10 năm). Mình thắp hương từ sáng, khấn các LS Núi Quế phù hộ chú Cừ tìm được thông tin về chiến sĩ Văn, người tưởng như đã hi sinh đêm 11.5 cùng đồng đội, mà lại sống sót. Buổi chiều, chú Cừ nhắn đã tìm được người biết địa chỉ, điện thoại của chú Văn, giờ cùng vợ con sống tận Tiền Giang (từ 1982). Đến buổi tối, chú lại báo : đã điện thoại liên lạc. Chỉ tiếc là chú Văn, mới hơn 70, đã quên gần hết các sự kiện... Nhưng mình tin là các Liệt sĩ Núi Quế linh thiêng, đã giúp chú Cừ lần tìm ra các sự kiện từ lúc trong tay không có 1 chút vật chứng, người làm chứng...thì chắc chắn sẽ giúp người đồng đội, may mắn còn sống sót trong 40 người hi sinh khi tấn công đồn địch đêm 11, rạng sáng 12.5.1969 nhớ lại các chi tiết quý báu của trận đánh lịch sử !
Cầu mong linh hồn của 39 Liệt sĩ Núi Quế yên nghỉ ! Cháu Chi Lan đã và sẽ rất vui, nếu các chú tin tưởng, dặn dò nốt những điều còn vương vấn. Tự hào lắm, khi các chú Về và nói : rất vui khi được làm quen với cháu !!!
Link bài viết của tác giả: Trần Chi Lan đăng trên FB.



2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết này như là 1 nén tâm hương, cháu Chi Lan xin kính dâng linh hồn của 39 Liệt sĩ đặc công Núi Quế, đúng ngày giỗ thứ 51 của các chú ! Cầu chúc linh hồn của các chú ở trên Cao xanh thanh thản !!!

    Trả lờiXóa