Thông tin mới nhất của anh Nguyễn Ngọc - tác giả truyện ngắn "Cung đường tuổi thơ" giúp các gia đình có thêm cơ sở chắc chắn để xác định sự kiện Mỹ chôn tập thể liệt sĩ xảy ra năm 1969 vì trước đó các thông tin có được đến 2016 đều cho rằng sự kiện đó xảy ra năm 1967 hoặc 1968. Trước năm 2000 các bia trên 47 mộ ở Nghĩa trang Bình Nguyên đều ghi: "liệt sĩ vô danh Tiểu đoàn Đặc công 409 trận đánh Núi Quế 1967".
Dưới đây là nội dung truyện ngắn đăng trên facebook của anh Nguyễn Ngọc.
https://www.facebook.com/100017725740922/posts/952571672010349/?sfnsn=mo
Trời sắp lập đông. Người ngồi sau xe tôi chở là Tân, đang chạy ngược về phía Thăng Bình. Gió lành lạnh phả vào mặt. Cái lạnh vào đông thật khó tả và dễ thương làm sao, đủ để người ta nhớ về quá khứ, nhất là những người xa quê trở về cố hương. Ngồi sau xe nãy giờ Tân vẫn yên lặng, tôi hiểu sự yên lặng của hắn để ngắm nhìn mà nhớ về một thời trên con đường này, ngày hai buổi chúng tôi gò lưng trên xe đạp để đến trường tìm con chữ. Một đoạn đường đầy ắp kỷ niệm buồn vui. Chợt nó hỏi: Đã qua Liễu Trì chưa? Tôi nói qua rồi. Nó bảo chừ lạ quá, ngày xưa là bãi cát trắng mênh mông, giờ toàn là nhà. Tôi cười, nửa thế kỷ rồi, không lạ mới là lạ.
Truyện ngắn Cung đường tuổi thơ của Nguyễn Ngọc |
Tôi lặng lẽ chạy chầm chậm để nó nhìn ngắm không gian đong đầy kỷ niệm. Năm 1975, đang học dang dở đại học sư phạm, ra trường, nó đi xa xứ, bây giờ mới có dịp trở về. Chiều nay nó bảo thèm tô mì Quảng. Tôi chọn quán mì không gian thoáng mát, ngon nhất xứ Bình Nguyên. Nhìn hai tô mì bốc khói, với cái bánh tráng nướng vàng ươm và đĩa rau sống tươi ngon, nó xoa hai bàn tay cho ấm, hít hà: Hấp dẫn quá!
Lũ chúng tôi thời ấy gồm năm đứa: Nam, Đăng, Tấn, Hùng, Hoàng học chung một lớp, hằng ngày cùng nhau đạp xe đi từ Hương An đến trường ở Thăng Bình. Tụi bạn các lớp khác thấy chúng tôi luôn đi chung lại châm chọc gọi "ngũ bá". Bốn năm cấp hai “ngũ bá” quá nhiều kỷ niệm trên đoạn đường đến lớp. Những chiều đi về, “ngũ bá” thường bị nhóm trẻ chăn bò trong làng ra đón đường hăm doạ, có khi tịch thu bút của bọn tôi, chúng gọi là “chiến lợi phẩm”. Một hôm, ra về mới đến đầu bãi cát, chúng xuất hiện chặn lại, bọn tôi chưa biết đối phó thế nào, chợt thằng Hoàng – anh chàng đẹp trai nhỏ con nhất nhóm, nổi máu yên hùng, dựng xe, bất ngờ rút cây bơm xe đạp gài sẵn, quay lại nói với chúng tôi: "Không lẽ bọn mình chịu đựng mãi thế nầy". Tay cầm cái bơm hắn hô to nghênh chiến: Thằng nào ngon vào đây. Rồi đánh vút thật mạnh vào phía bọn chúng thị uy. Thật xui xẻo, ống bôm trật gai bay vèo một cái ngang qua đầu chúng nó. Tụi nó cúi sụp xuống né. Bọn tôi nín cười. Khi chúng chưa kịp ngất đầu lên, thằng Tấn xông vào “tả xung hữu đột”. Tấn không to con, nhưng nó cao hơn tụi tôi lại có võ, thấy thế mấy thằng tôi cũng nổi máu anh hùng, lao vào trợ chiến. Thằng Đăng là đứa nhát gan nhất, mọi khi có cơ sự gì, nó thụt về sau, vậy mà lần này nó cũng nhào vô đấm đá. Tụi chăn bò hoảng hốt bỏ chạy. Chiều đó chúng tôi về Hương An mừng công, kéo nhau đi ăn mì Quảng. Nhưng sau sợ bọn nó trả thù, chúng tôi phải nghỉ học một buổi nhờ người lớn quen biết đứng ra dàn hoà. Từ đó, chúng tôi thân nhau, thường chiều về, chúng thả bò ăn cách đường khoảng trăm mét, cứ thấy xe Mỹ chạy ngang qua, chúng chạy lên vẫy tay “hello”, lính Mỹ trên xe ném lương khô bánh kẹo xuống, chúng ăn một nửa, còn một nửa dành cho bọn tôi.
Cách đây khoảng mươi năm, tình cờ trên chuyến xe đò nội tỉnh, tôi ngồi ghế cabin cạnh tài xế, trong lúc chờ đón khách tại bến, nhìn qua tôi thấy mặt tài xế quen quen, nhất là cái hàm răng trên vầu ra và đôi mắt “mang hình viên đạn”, chúng tôi bắt chuyện, thì ra anh là một trong những đứa thuộc nhóm chăn bò ngày xưa hay đánh bọn tôi. Anh mừng lắm, hỏi thăm sức khoẻ năm anh em ngày ấy, rồi hồ hởi nhắc lại kỷ niệm. Nói đến trận bị bọn tôi phản công, anh nói thằng Tân nó có võ mà bọn tui đâu có hay. Kể xong anh cười ha há, nhe cái hàm răng hô ra không nhầm vào đâu được.
***
Gió bắt đầu thổi mạnh, hoàng hôn sắp xuống, trước khi rời quán, nó nhìn ra bên ngoài, nói:
- Bãi cát hoang vu ngày xưa bây giờ thành thị trấn phồn thịnh, mà sao thấy toàn là quán Mì Quảng, Gội đầu, Cắt tóc?
Tôi cười. Nó có vẻ suy tư:
- Mày còn nhớ khoảng năm 1968, 1969 gì đó, tụi mình chứng kiến một số người chết chôn ở đoạn đường nầy không?
- Nhớ chứ, làm sao quên.
***
Đây là câu chuyện ấn tượng nhất đoạn đường tuổi thơ chúng tôi không thể phai mờ.
Vào một buổi trưa đầu hạ, chúng tôi từ trường đạp xe về nhà, thấy hiện tượng lạ, tuy Quốc lộ, nhưng đoạn đường qua bãi cát này thường rất vắng, thưa người qua lại, có một chiếc xe Jeep, một chiếc xe ủi và hai chiếc GMC, một chiếc phủ bạc màu xanh kín bít dừng bên lề phải, lính Mỹ cầm súng đứng lố nhố. Chúng tôi thắng xe đứng nhìn, cách mép Quốc lộ khoảng chừng 20m, một cái hố đã đào sẵn dài ước chừng 20m hơn, chiều ngang chừng hơn 3m. Người lính chỉ huy phất tay ra lệnh mở tấm bạc trên xe. Thật là kinh hoàng. Xe chở đầy xác người. Thằng Đăng sợ quá hét lên một tiếng. Một tay sĩ quan quay qua nhìn bọn tôi vẫy tay, nói như quát: Scat! Don’t stand there looking! (Đi đi! Không đứng đó nhìn!). Sợ quá, bọn tôi phóc lên xe cong lưng đạp chạy. Sáng hôm sau đi học ngang qua, thấy ở đó đắp cao lên một đụn cát hình chữ nhật. Hình ảnh ấy cứ chập chờn ám ảnh trong đầu chúng tôi một thời gian dài mỗi lần đạp xe ngang qua nơi ấy, nhất là khi trời sắp hoàng hôn. Ở đụn cát ấy, thỉnh thoảng thấy có những nắm chân nhang ai đó đến để thắp. Có những bó nhang cháy dở, chắc là nhang thắp lên gặp lúc trời mưa.
Núi Quế là địa danh nằm trong quần thể dãy núi Hòn Tàu, chạy dài theo ba huyện: Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, là tấm bình phong án ngữ về phía đông cho đại bản doanh nghĩa quân Trung Lộc Nguyễn Duy Hiệu thời chống Pháp. Nơi đây có vị trí quan trọng về chiến lược quân sự. Thế nên vào những năm 1966 – 1967, bộ chỉ huy lữ đoàn dù và lữ đoàn 196 của lính Mỹ chọn nơi này đổ bộ xuống đóng quân. Khu vực núi Quế có một ngọn núi đứng lẻ loi gọi là Hòn Một. Hòn Một có độ cao chiến lược làm tiền đồn, Mỹ tập trung vũ khí hạng nặng để bảo vệ toàn khu vực. Hồi ấy đêm đêm ánh sáng đèn pha quét rọi cả một vùng rộng lớn. Vào giữa khuya một đêm cuối tháng ba năm Kỷ Dậu, một tiếng nổ vang trời, tiếp theo là âm thanh các loại súng liên hồi vang lên từ đồi Hòn Một. Hoả châu liên tục phóng lên sáng rực, trực thăng quần lượn rền vang, xoá tan bóng đêm ở một vùng quê, kéo dài đến tận sáng. Sau nầy chúng tôi mới rõ, những người chết mà chúng tôi chứng kiến trưa hôm ấy bên bãi cát là những chiến sĩ thuộc đại đội 1, tiểu đoàn đặc công 409 của quân khu 5, nhận nhiệm vụ tập kích tấn công lữ đoàn 196 của Mỹ đóng tại Hòn Một, đúng vào đêm 11 tháng 5 năm 1969, nhằm ngày 25 tháng 3 năm Kỷ Dậu. (Theo tài liệu ghi ở Anh Linh Đài).
***
Hôm sau tôi chở thằng bạn chạy qua chân Hòn Một. Nơi ấy bây giờ là một không gian đẹp, tráng lệ, trang nghiêm. Nhìn nó đọc tấm bia tưởng niệm, tôi giới thiệu với nó: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn làm Phó Thủ tướng, ông đã cho xây nhà tưởng niệm này. Đây là nơi những người lính năm xưa đã ngã xuống mà chúng tôi đã nhìn thấy bên bãi cát Liễu Trì, đặt tên khu tưởng niệm này là “Anh Linh Đài”, có sự đóng góp của thân nhân, đồng đội, doanh nghiệp... Một không gian mở với cây cảnh, ao cá, có quản trang chăm sóc, hương khói. Trong bia có ghi đầy đủ họ tên bốn mươi liệt sĩ, phần đông quê ở miền Bắc, sau tấm bia có văn bia của giáo sư Vũ Khiêu, ghi lại công lao và hi sinh của các chiến sĩ trong trận đánh đó.
Hòn Một bây giờ đêm về không còn âm u hoang vắng như xưa, mà điện rực sáng cả một vùng chân núi. Người ta đang đầu tư làm nơi du lịch tâm linh.
Tôi đưa bạn về và ghé vào chiếc quán bên đường, gọi một chai rượu sâm Ngọc Linh. Hắn gật đầu, ngước nhìn tôi:
- Thế mà hơn nửa thế kỷ, tóc mày với tao đều bạc.
***
Cái lạnh ngày đông về chiều se se thấm vào da thịt. Cánh đồng quê bên ngoài sương bắt đầu mờ mờ dâng lên, như lắng trong khoảng mờ ấy là những vỉa trầm tích tự bao đời đầy bí ẩn, có những vui buồn sâu thẳm, như những vui buồn trên cung đường tuổi thơ một thời chiến tranh của vùng xứ sở mà chúng tôi đã từng đi qua.
Mùa đông năm 2021
Nguyễn Ngọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét