Nhãn

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Anh Linh Đài trên Núi Quế

QĐND – Tọa lạc tại sườn Tây Núi Quế, Anh Linh Đài là một phương đình tám mái, lưng tựa vào núi Quế, mặt hướng về dãy Trường Sơn. Giữa phương đình có tấm bia đá hai mặt. Một mặt ghi danh các liệt sĩ, mặt còn lại khắc bài văn bia tri ân của GS Vũ Khiêu. Anh Linh Đài mang trong mình linh vị 40 liệt sĩ đặc công và câu chuyện dài về hành trình gian nan tìm kiếm hài cốt người thân của gia đình thân nhân liệt sĩ.
Từ hành trình tìm kiếm hài cốt một liệt sĩ…
Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, nhưng anh Khuất Quang Phiệt của tôi đã không về. Gia đình tôi nhận được giấy báo anh đã hy sinh ngày 11-5-1969. Trước và sau lễ truy điệu, mẹ tôi vẫn nói với cả nhà: “Phiệt nhà mình không chết đâu”. Còn bố tôi thì im lặng. Chỉ biết rằng, vốn là người rất thích nghe ra-đi-ô, vậy mà suốt ba tháng sau ngày nhận tin anh tôi hy sinh, ông không mở.
Cách đây hơn 9 năm, ngày 4-3-1993, tôi gửi đơn tới Bộ tư lệnh Binh chủng Đặc công và Bộ tư lệnh Quân khu 5 hỏi thông tin cụ thể về anh tôi và nhận được công văn trả lời:  Anh tôi thuộc đơn vị C1, D409 “đã hy sinh trong chiến đấu, đơn vị không lấy được thi hài, do vậy hiện Quân khu 5 không quản được phần mộ”.  Nhận tin, mẹ tôi không nói gì, đôi mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không như muốn tìm lại hình ảnh đứa con thân yêu của mình.

Sau khi bố mẹ qua đời, tôi càng thêm day dứt vì chưa thực hiện được tâm nguyện của bố mẹ là tìm được anh tôi. Cho đến tận hôm nay, 43 năm sau ngày anh Phiệt hy sinh và sau 20 năm tìm kiếm, tôi mới có thể báo cáo với bố mẹ tôi nơi chín suối rằng: “Mặc dù chưa tìm thấy hài cốt của anh, nhưng anh em chúng con cùng thân nhân của 39 liệt sĩ thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 409 Quân khu 5, đã xây được ngôi nhà chung để các anh có chốn đi về; dựng được bia tưởng niệm để con cháu đời nay, đời sau có nơi thăm viếng. Thưa bố mẹ, đó là Anh Linh Đài, công trình tưởng niệm 40 liệt sĩ đặc công hy sinh đêm 11 rạng ngày 12-5-1969 trong trận tập kích căn cứ Lữ đoàn 196 của Mỹ tại Núi Quế, Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Nam….”.
Thương mẹ, hy vọng vào một cuộc hội ngộ diệu kỳ nên trước khi xây dựng Anh Linh Đài tôi quyết định tìm đến các nhà ngoại cảm. Từ 1993 đến 2011, gia đình tôi đã nhờ đến sự giúp đỡ của 21 nhà ngoại cảm từ Bắc vào Nam, nhưng kết quả không được như mong muốn. Đặc biệt, tôi cùng anh Nguyễn Xuân Thụ, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 409 và anh Trần Trung Hậu, người trực tiếp tham gia trận tập kích đêm đó đã đến và thực hiện các thủ tục tâm linh ở tất cả những địa điểm được các nhà ngoại cảm xác định; có địa điểm chúng tôi đến hai, ba lần, nhưng không dám khai quật vì chưa đủ lòng tin.
Theo nguồn tin của bà con ở khu vực Hương An, có một hố chôn tập thể các liệt sĩ ở bãi cát ven Quốc lộ 1A, cách cầu Hương An khoảng 1km, đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nhưng khi chúng tôi tìm đến hỏi thông tin cụ thể thì không ai và không có tài liệu nào để xác định đó là các liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 409 Đặc công hy sinh đêm 11-5-1969.

Qua tìm hiểu lịch sử Tiểu đoàn 409, tôi được biết trong trận đánh đó đơn vị thương vong nhiều, nhưng không biết những ai cùng hy sinh với anh tôi để liên lạc với thân nhân và phối hợp đi tìm hài cốt. Tôi tiếp tục đi tìm đồng đội của anh tôi và may mắn gặp được anh Phan Đình Long, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 409 Đặc công. Là một trong những cán bộ trực tiếp tổ chức trận tập kích đêm 11-5-1969, anh Long cho tôi biết diễn biến trận đánh và danh sách 36 chiến sĩ của đơn vị hy sinh, trong đó có anh tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn tin vào linh cảm của mẹ, vẫn muốn hy vọng. Tôi viết thư gửi Liên hiệp Hội hữu nghị Việt Nam nhờ tìm thông tin về trận đánh đêm 11-5-1969 tại Núi Quế và được biết phía Mỹ cũng ghi nhận sau trận đánh đã thu gom 39 thi hài các anh, nhưng không có địa điểm chôn cất.
Như vậy, 20 năm tìm kiếm vất vả chỉ giúp gia đình tôi biết được một sự thật là anh tôi cùng đồng đội đã chiến đấu và hy sinh tại Núi Quế; thi hài được Mỹ thu gom mang đi chôn tập thể. Những hy vọng nhen nhóm từ lời của mẹ đã tắt. Ngay cả hy vọng tìm được hài cốt nguyên vẹn của anh tôi cũng không còn.
… Đến công trình tưởng niệm tập thể liệt sĩ – Anh Linh Đài
Dựa vào danh sách liệt sĩ do anh Long cung cấp, thông qua UBND các xã, tôi đã liên lạc được với 33 gia đình thân nhân liệt sĩ và được biết hầu hết các gia đình không có thông tin cụ thể về liệt sĩ. Một số gia đình không đi tìm. Nhiều gia đình đã đi tìm nhưng không có kết quả. Thực tế quá trình tìm kiếm của các gia đình cho thấy hầu như không còn hy vọng tìm thấy hài cốt các liệt sĩ, nhất là xác định hài cốt của từng người trong trận đánh đêm hôm đó. Hơn 40 năm đã qua đi, việc Mỹ gom xác các anh đem chôn tập thể là sự thật. Cho dù sau này có tìm được nơi Mỹ chôn các anh thì làm sao có thể giám định ADN của từng liệt sĩ để trả lại danh tính cho các anh ? Nhưng chẳng lẽ cứ để linh hồn các anh phiêu dạt mãi ? Trong các cuộc gặp mặt gia đình liệt sĩ tại hai địa phương có nhiều liệt sĩ là Hà Nội và Thái Bình, ý tưởng xây ngôi mộ chung cho các anh được nêu ra và được tất cả các gia đình đồng lòng nhất trí.
Tuy nhiên, việc thực thi ý tưởng đứng trước một loạt vấn đề. Câu hỏi đầu tiên đặt ra là liệu có được xây không ? Tiếp đến là các vấn đề về vị trí, cấu trúc, quy mô, kinh phí và tổ chức xây dựng như thế nào… Nhưng chí đã quyết, lòng đã đồng, các gia đình tổ chức họp mặt, thảo luận và quyết định phải xin phép các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho xây ngôi mộ chung-dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ tại nơi các anh hy sinh ở Núi Quế (Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Nam); đồng thời thành lập Ban đại diện các gia đình liệt sĩ gồm 5 người. Từ đây bắt đầu một hành trình mới: Hành trình xây dựng đài tưởng niệm tập thể các liệt sĩ .
Việc các gia đình thân nhân đứng ra xây công trình tưởng niệm liệt sĩ chưa có tiền lệ, nhưng ý tưởng của chúng tôi được rất nhiều người ủng hộ. Sau nhiều lần trực tiếp trình bày và gửi đơn tới các cơ quan, đơn vị chức năng của Quân khu 5 và tỉnh Quảng Nam, nguyện vọng của chúng tôi đã được phê duyệt. Ban đại diện các gia đình họp đột xuất, quyết định lên đường vào Quảng Nam để hoàn tất các thủ tục và triển khai xây dựng công trình. Một quyết định mang đầy tính chủ quan duy ý chí, bởi khi đó trong tay chúng tôi chỉ có số tiền ít ỏi của 13 gia đình đóng góp.
Có vào Quảng Nam, đến thực địa, mới hiểu được những băn khoăn lúc ban đầu của các gia đình. Cùng với việc lo nơi ăn chốn ở cho 5 người trong thời gian thi công là một loạt vấn đề khác. Công trình xây dựng trên núi, điện nước không có, đường đi lối lại không thuận tiện, các thành viên hầu hết còn lạ nước lạ cái… Nhưng được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của Công an tỉnh Quảng Nam và Trung đoàn 574, đơn vị quản lý khu đất xây dựng công trình, mọi khó khăn bị đẩy lùi. Ngày 17-3, chúng tôi được Ban CHQS huyện Quế Sơn và Trung đoàn 574 giúp tổ chức lễ khởi công. Nhờ có sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần của nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân, việc thi công công trình diễn ra hết sức thuận lợi. Chưa đầy hai tháng sau, Anh Linh Đài được khánh thành đúng kỷ niệm 43 năm ngày các anh hy sinh (11-5-1969-11-5-2012). Trước đó, trong hai ngày 9 và 10-5-2012, Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam đã giúp chúng tôi tổ chức lễ cầu siêu cho các liệt sĩ Tiểu đoàn 409 Đặc công và 75 liệt sĩ thôn 9, xã Quế Phú.
Anh Linh Đài trên Núi Quế là kết tinh những giọt nước mắt nhớ thương và lòng quyết tâm của thân nhân 40 liệt sĩ, là biểu hiện cụ thể lòng tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc của nhiều tập thể và cá nhân. Tâm nguyện của chúng tôi đã được thực hiện. Từ nay, linh vị các anh đã có mái ngói phương đình với tám chim lạc vươn lên trời cao che chở. Từ nay, linh hồn các anh đã có chốn đi về….
Bài và ảnh: Khuất Quang Cừ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét