Nhãn

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Công trình của lòng tri ân

(Cadn.com.vn) – Sau gần 2 tháng thi công, sáng 11-5-2012, nhà bia tưởng niệm 39 liệt sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409, Quân khu 5 đã được khánh thành. Đây cũng chính là ngày diễn ra trận đánh đồn Núi Quế 43 năm trước (11-5-1969).
Trong không gian linh thiêng của đồi Núi Quế thuộc thôn Hương Quế Tây, xã Quế Phú, H. Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, gần 100 thân nhân của 39 liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh đồn Núi Quế năm nào từ nhiều miền của đất nước đã tề tựu về đây, nghẹn ngào xúc động thành kính dâng hương tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ, người thân của họ tại chính nơi người thân họ đã ngã xuống. Ông Nguyễn Thanh Thể – thân nhân liệt sĩ Trương Văn Bách, quê Thanh Hóa cho biết: Cách đây 3 ngày, tôi nhận được tin của anh Khuất Quang Cử về thông tin người thân của tôi là liệt sĩ Trương Văn Bách đã tìm được nơi hy sinh và được xây bia tưởng  niệm tại Núi Quế, Quế Sơn. Đây quả thật là tin vui với gia đình tôi, bởi đã 43 năm rồi, chúng tôi đã nhiều lần đi tìm người thân nhưng chưa có gì thêm ngoài thông tin báo tử chung chung là hy sinh ở chiến trường miền Nam. Ngay lập tức, gia đình tôi đã lên đường vào đây, và thật xúc động. Bỗng nhiên, mảnh đất này trở nên gần gũi với gia đình tôi, bởi trên mảnh đất này, người thân của tôi đã ngã xuống…”. Còn bà Đào Thị Phượng, con gái út của liệt sĩ Đào Ngọc Sản, quê  Thái Thụy,Thái Bình thì nghẹn ngào: “Khi bố tôi lên đường vào Nam, tôi còn nằm trong bụng mẹ, và đã 43 năm nay, tôi và gia đình cứ đau đáu bởi chưa tìm được di hài của bố cũng như chưa từng biết nơi ông nằm lại. Hôm nay vào đây, tôi cùng gia đình cảm thấy ấm lòng hơn, mặc dù hài cốt của bố tôi và đồng đội vẫn chưa được tìm thấy”.

Chia sẻ niềm vui với thân nhân gia đình các liệt sĩ trong ngày trọng đại này còn có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các lực lượng đóng chân trên địa bàn đến đặt vòng hoa, viếng hương các anh hùng liệt sĩ. Đứng trước ngôi mộ chung, bia tưởng niệm ghi danh 39  liệt sĩ Tiểu đoàn 409, ai cũng xúc động, không nói thành lời. Nén hương thay lời tri ân, mọi người đã thành kính nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ.
Bia tưởng niệm 40 liệt sĩ Núi Quế
Vào đêm 11-5, rạng sáng 12-5-1969, 60 chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409 chia làm 6 mũi mật tập, tiêu diệt căn cứ Lữ đoàn 196 của Mỹ tại đồi Núi Quế. Mặc dù đã lên phương án, tính kỹ từng mũi tiến công nhưng do tương quan lực lượng, sau khi tiêu diệt được 295 tên Mỹ, 39 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Là một trong 3 nhân chứng sống trong trận đánh còn sống đến hôm nay, ông Phan Quang Thặng đã xúc động kể lại trận đánh qua mũi tiến công của ông, một trong 6 mũi tiến công của trận đánh: “Sau khi đã tấn công vào sâu vị trí chiến đấu, 6 đồng chí trong mũi tiến công của tôi mỗi người một nhiệm vụ, tôi được lệnh ôm khối thuốc nổ phá tan lô cốt, sau khi điểm hỏa, lô cốt đã nổ tung, tuy nhiên, sau khi giết được rất nhiều lính Mỹ, chúng tôi đã bị địch phản công, cả trận địa lúc đó là một biển lửa, chúng tôi bị tấn công nhiều phía, cả máy bay dội pháo xuống. Mũi tiến công của tôi có 6 đồng chí, 2 đồng chí đã hy sinh, 3 đồng chí bị thương, trong đó có tôi”.
Để có được công trình của lòng tri ân này, có được ngày hội tụ hôm nay là cả một câu chuyện dài của những thân nhân liệt sĩ Tiểu đoàn 409, những người luôn đau đáu một nỗi  niềm chưa thể tìm ra nơi yên nghỉ của người thân họ. Trong đó phải kể đến đại tá Khuất Quang Cử, nguyên Chánh thanh tra Tổng cục Hậu cần kỹ thuật,  Bộ CA, đại tá Khuất Quang Cường, Cục trưởng Cục Kho vận, Tổng cục Hậu cần kỹ thuật Bộ CA, là 2 em trai của liệt sĩ Khuất Quang Phiệt – chiến sĩ đặc công năm ấy. Suốt 43 năm sau ngày anh trai hy sinh, gia đình chưa khi nào ngừng tìm kiếm hài cốt cũng như nơi anh trai đã ngã xuống. Cuối cùng, sự miệt mài của công cuộc tìm kiếm đã không phụ lòng gia đình khi cơ duyên được gặp lại người Đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn ngày ấy và cuốn nhật ký ghi lại toàn bộ diễn biến cũng như danh tính 39 liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh này. Ngoài ra, còn kết hợp với nhiều tài liệu thu thập được và kết quả là đã mở bức màn còn phong kín về sự hy sinh anh dũng của 39 chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 409. Hơn thế nữa, sau khi có được kết quả trên, gia đình đại tá Khuất Quang Cường đã tìm cách liên lạc, thông tin cho tất cả thân nhân liệt sĩ, để ngày hôm nay có một ngày đoàn tụ ý nghĩa này.
Có thể nói, Nhà bia tưởng niệm là kết quả của sự đồng lòng, cũng là tâm niệm của thân nhân 39 liệt sĩ Tiểu đoàn 409. Nhà bia được hoàn thành với kinh phí hơn 200 triệu đồng, trong đó, gia đình thân nhân đóng góp 100 triệu đồng, UBND tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng, Quân khu 5 hỗ trợ 50 triệu đồng và còn rất nhiều đóng góp về vật chất, tinh thần của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam. Theo thiết kế, ngoài nhà bia tưởng niệm, công trình sẽ tiếp tục xây dựng bức phù điêu tái hiện lại trận đánh 11-5…
Một ngôi mộ chung, một nhà bia ghi danh 39 liệt sĩ tựa lưng vào  núi, giữa rừng cây xanh mát rộn tiếng chim sẽ là một địa chỉ đỏ của thế hệ hôm nay.
Vân Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét