Không quân phục, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, khi hy sinh không một kỷ vật trên người, máu xương của các anh đã hòa vào đất mẹ. Sau bao năm đi tìm, bây giờ tên các anh đã được khắc ghi trên một ngôi mộ chung ở Núi Quế (Quế Sơn) để sống mãi trong lòng dân tộc…
Quyết tử vì Tổ quốc
Đêm 11 rạng sáng 12.5.1969, Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 409 (Quân khu 5) nhận nhiệm vụ đánh tập kích Lữ đoàn 169 của quân đội Mỹ tại Núi Quế. Theo kế hoạch, Đại đội 1 gồm 66 chiến sĩ được chia làm 6 mũi tấn công. 18 giờ 30 ngày 11.5, đại đội xuất quân và tập kết tại chân Núi Quế lúc 23 giờ. Sau khi lót dạ bằng nắm cơm vắt, các anh lần lượt cởi bỏ quần áo, chỉ mặc chiếc quần lót trên người rồi lấy hợp chất lá khoai lang đâm nhuyễn với nhọ nồi thoa khắp người. Chỉ mấy phút sau, ai nấy đều đen nhẻm và hòa lẫn vào màn đêm, cây cỏ. Khi các mũi tiến công đã lọt vào trong cứ điểm nhưng chưa đến được mục tiêu đã định thì có tiếng súng nổ từ phía bắc trận địa. Ngay lập tức địch báo động, bắn pháo sáng liên tục. Ở các hướng khác, các mũi tiến công vẫn tiếp tục bí mật tiếp cận vào mục tiêu. Đến 0 giờ 30 phút, các mũi đồng loạt nổ súng. Tuy không đạt được ý đồ chiến thuật “luồn sâu lót sát” nhưng các anh đã quyết tâm chiến đấu đến cùng…
Trận tập kích đêm ấy, những người lính dũng cảm của Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 409 (Quân khu 5) đã loại khỏi vòng chiến đấu 295 tên Mỹ, phá sập 50 nhà, 43 lô cốt, hầm ngầm của địch và nhiều vũ khí, khí tài khác. Để có những con số trên, góp phần cho ngày hòa bình hôm nay, 66 người lính xuất quân hôm ấy chỉ có 26 người trở về. Cô Nguyễn Thị Kim Cúc – y tá của Tiểu đoàn Đặc công 409 kể: “Đêm ấy, nghe tiếng súng nổ, nhìn bầu trời Núi Quế sáng rực, ruột gan người ở tuyến ngoài như lửa đốt. Chờ mãi không thấy các anh trở ra, mọi người ôm nhau lặng lẽ khóc. Mấy hôm sau, nhận được tin địch kéo thi thể các anh lên xe và chở đi đâu không rõ”.
Manh mối từ cuốn nhật ký
Cũng như bao thân nhân liệt sĩ khác, Đại tá Khuất Quang Cừ (nguyên Chánh Thanh tra Tổng cục Hậu cần – kỹ thuật, Bộ Công an) và em trai – Đại tá Khuất Quang Cường (Cục trưởng Cục Kho vận, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an) luôn đau đáu ước mơ tìm được hài cốt anh trai mình là liệt sĩ Khuất Quang Phiệt, người đã không trở về sau trận tập kích ở Núi Quế. Hai ông đã đi khắp mặt trận phía Nam, kể cả nhờ đến các nhà ngoại cảm nhưng vẫn không tìm được. Duyên may, ngày 23.10.2008, ông Khuất Quang Cừ gặp được ông Phan Đình Long – Đại đội trưởng Đại đội 1 trong trận đánh Núi Quế đêm 11.5.1969. Hạnh phúc vỡ òa khi ông Cừ đọc thấy tên anh trai mình trong cuốn nhật ký của người cựu chiến binh già.
Trong những ngày bom đạn ấy, Đại đội trưởng Phan Đình Long vẫn giữ thói quen ghi nhật ký công việc, diễn biến các trận đánh của đơn vị. Trước khi ra trận, bao giờ ông cũng ghi tên tuổi, quê quán của từng đồng đội tham gia trận đánh. Ông bảo, lính đặc công khi hy sinh không một mảnh vải, kỷ vật trên người, tất cả đều đen nhẻm nên khó phân biệt từng người một. Bao nhiêu năm qua, cuốn nhật ký ấy vẫn còn nguyên vẹn như tình yêu, ký ức của ông dành cho đồng đội. Đó cũng là tài sản quý báu trong kho tàng kỷ niệm thiêng liêng của ông.
Khi đã có cuốn nhật ký, anh em ông Khuất Quang Cừ liên hệ với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đề nghị phía Mỹ xác minh lại số chiến sĩ của ta hy sinh tại Núi Quế đêm 11, rạng sáng 12.5.1969. Theo báo cáo ngày 12.5.1969 của quân đội Mỹ (được giải mật ngày 17.3.2011), vào lúc 1 giờ 40 phút ngày 12.5.1969, Núi Quế bị tấn công, đến 8 giờ 10 phút mới hết tiếng súng. 20 giờ 30 phút Mỹ thu được 39 thi hài (các chiến sĩ đặc công hy sinh). Đồng thời, tài liệu cũng xác nhận đến 20 giờ 35 phút ngày 12.5.1969 vẫn còn các chiến sĩ giải phóng quân trên Núi Quế, do không kịp rút ra ngoài trước khi trời sáng phải ẩn náu lại chờ đến đêm sau tìm cách thoát ra.
Từ những thông tin có được về quê quán của các liệt sĩ, ông Khuất Quang Cừ bắt đầu hành trình liên lạc với các gia đình liệt sĩ. Đầu tiên, ông gọi điện thoại đến Chủ tịch UBND các xã có liệt sĩ hy sinh tại Núi Quế, đề nghị chính quyền liên lạc và cung cấp số điện thoại từng gia đình. Cứ thế, ông đã nối vòng tay giữa các gia đình liệt sĩ với nhau. Cũng từ đó, các gia đình mới biết được trận đánh đêm 11.5.1969 diễn ra như thế nào, con em mình hy sinh anh dũng ra sao. Và họ tìm về Núi Quế, nơi những người lính đặc công năm xưa đã ngã xuống…
Trả lại tên cho các anh
Trong lúc chưa tìm được hài cốt các liệt sĩ, ông Khuất Quang Cừ có ý định lập nhà bia ghi danh những chiến sĩ đặc công hy sinh tại Núi Quế. Ý định ấy được các gia đình liệt sĩ ủng hộ. Từ năm 2009, các gia đình liệt sĩ đã lên kế hoạch xây nhà bia ghi danh 40 liệt sĩ hy sinh tại Núi Quế. Ngày 7.3.2012, thân nhân các liệt sĩ họp mặt tại Quảng Nam. Ngày 17.3, ngôi mộ chung – công trình của lòng tri ân được khởi công xây dựng tại Núi Quế. Trước quyết tâm và nghĩa cử cao đẹp của thân nhân liệt sĩ, các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đã nhiệt tình ủng hộ. Từ số tiền ban đầu 74 triệu đồng do các gia đình liệt sĩ đóng góp, đến nay đã tăng lên hơn 300 triệu đồng. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP.Đà Nẵng, Quân khu 5, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Quế Sơn… hỗ trợ hơn 200 triệu đồng. Ngày 11.5, Nhà bia Tưởng niệm 40 liệt sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409 (Quân khu 5) khánh thành. Xin mượn những lời thơ của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tưởng nhớ các anh để kết thúc bài viết này:
“Từ ba miền theo tiếng gọi non sông/ Lớp lớp gái trai lên đường nhập ngũ/ Vì quê hương chẳng tiếc máu xương/ Trước quân thù bừng bừng khí thế/ Đồn Núi Quế với ngàn tên lính Mỹ/ Chẳng làm run ý chí đặc công/ Dù giặc dội mưa bom bão đạn/ Vẫn phá rào đột kích xung phong/ Diệt quân địch hàng trăm tên bỏ mạng/ Bốn mươi anh nằm lại nơi này/ Ngày hôm nay đồng đội người thân/ Xây khu mộ ngàn sau tưởng nhớ/ Bia ghi lại chiến công rực rỡ/ Để muôn đời nhắc nhở công ân”.
PHƯƠNG NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét